• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
30 Tháng Mười Một 2024 5:03:34 CH - Mở cửa
Đi kiện... gã khổng lồ
Nguồn tin: Nhịp cầu đầu tư | 14/06/2023 7:05:00 SA
Đứng trên vai người khổng lồ là một trong những cách đến thành công nhanh nhất. Nhưng khi người khổng lồ hắt hơi, vị thế của “kẻ ăn theo” cũng lung lay.
 
 
Chỉ trong một thời gian ngắn Gilimex trở thành công ty có doanh thu tăng trưởng chóng mặt, nhưng rồi chỉ sau một lần bị “bom hàng” của Amazon, Gilimex đã rơi vào tình cảnh khốn khó. Câu chuyện của Gilimex chỉ là một đại diện cho nhiều doanh nghiệp đã vội vàng đặt niềm tin không đúng chỗ với cái giá phải trả cũng khá đắt và phải mất nhiều năm mới vực dậy được.
 
Vụ kiện 280 triệu USD
 
Theo hãng tin Bloomberg, Công ty Gilimex nộp đơn kiện gã khổng lồ Amazon, đề nghị bồi thường 280 triệu USD. Gilimex cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng khiến nhà sản xuất này gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
 
Đơn kiện đã được tòa án quốc tế chấp thuận vì có bằng chứng về việc sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm. Gã khổng lồ thương mại điện tử thu hẹp quy mô kinh doanh một cách đột ngột khiến Gilimex trở tay không kịp.
 
 
Báo cáo thường niên của Amazon ghi nhận, tổng diện tích kho hàng của họ đã tăng từ 25 triệu m2 vào cuối năm 2019 lên gần 49 triệu m2 vào cuối năm 2021, tăng gấp đôi trong 2 năm. Với tốc độ mở rộng quy mô quá “nóng”, khi trở lại giai đoạn bình thường mới, nhu cầu mua sắm online hạ nhiệt, Amazon phải chậm lại kế hoạch mở rộng.
 
Gilimex cho biết vào tháng 4 và 5/2022, Amazon đã “ngay lập tức thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022 và 2023 xuống chỉ còn một phần nhỏ so với các dự báo trước đó. Do doanh thu bán hàng cho Amazon chiếm tỉ trọng lớn nên khi hãng này giảm nhu cầu đột ngột, kết quả đã phản ánh vào tình hình kinh doanh quý III/2022 của Gilimex, kéo doanh thu giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Doanh thu lũy kế sau 9 tháng chủ yếu do 2 quý đầu năm đóng góp, còn lãi phần lớn lại nhờ vào thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết trong quý III mà không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Một đối tác gia công cho Gilimex là Garmex Sài Gòn (GMC) cũng bị vạ lây khi doanh thu từ hàng trăm tỉ đồng đã giảm xuống còn vỏn vẹn 11 tỉ đồng trong quý III/2022.
 
Gilimex là đối tác chính của Amazon từ năm 2014 đến năm 2022. Trong giai đoạn đó, Gilimex đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất để xây dựng kho chứa bằng thép và vải dùng để chứa hàng hóa trong kho của Amazon, tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy. Hàng hóa trong kho được di chuyển bởi robot, giúp tăng tốc độ thực hiện các đơn đặt hàng trực tuyến và cũng để công nhân không phải chạy bộ quanh các cơ sở rộng lớn.
 
Thậm chí, ở thời điểm dịch, Gilimex tiếp tục tăng trưởng với doanh thu đến năm 2021 vượt mốc 4.000 tỉ đồng. Từ quý IV/2021 đến quý II/2022, doanh thu của công ty này vẫn đứng vững ở mức khoảng 1.300 tỉ đồng mỗi quý, thuộc top cao đầu ngành.
 
Theo Mirae Asset Vietnam Research, 85% doanh thu xuất khẩu của Gilimex đến từ Amazon, với các đơn đặt hàng trị giá 146,6 triệu USD (hơn 3.400 tỉ đồng) vào năm 2021. Gilimex đã từ chối các khách hàng lớn khác bao gồm IKEA và Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu của Amazon.
 
Chính nhờ sự tăng trưởng vượt trội này giúp Gilimex trở thành điểm sáng trong 2 năm vừa qua và giá cổ phiếu cũng phi nước đại từ 10.000 đồng/cổ phiếu lên 83.000 đồng/cổ phiếu trước khi quay đầu giảm.
 
Về triển vọng sắp tới, mảng xuất khẩu dệt may của Gilimex được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận định, ngành dệt may sẽ chứng kiến sự sụt giảm mạnh đơn hàng trong 2 quý tới trong bối cạnh lạm phát cao làm suy yếu nhu cầu may mặc toàn cầu.
 
Cùng cảnh ngộ
 
Câu chuyện của Gilimex không phải là truờng hợp đặc biệt trong ngành dệt may vì trước đó May Sông Hồng (MSH) và Dệt May Thành Công (TCM) từng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi đối tác xuất khẩu lớn phá sản.
 
Ngày 13/7/2020, RTW Retailwinds Inc., công ty mẹ của New York & Company - đối tác lớn nhất của May Sông Hồng thời điểm đó, đã nộp hồ sơ bảo hộ phá sản lên cơ quan chức năng Mỹ do mất khả năng thanh toán.
 
Được biết, doanh thu của New York & Company chiếm khoảng 13% tổng doanh thu của May Sông Hồng năm 2019, khoảng 575 tỉ đồng. Công ty thực hiện bán hàng theo các đơn đặt hàng từ New York & Company (bên mua) thông qua một đối tác của bên mua là Easy Fashion Macao Offshore Limited. Theo thỏa thuận giữa đôi bên, việc thanh toán công nợ liên quan đến các giao dịch bán hàng cho bên mua sẽ được thực hiện thông qua Easy Fashion. Thời hạn thanh toán đối với các khoản công nợ này là 90 ngày.
 
Đến cuối năm 2020, số dư phải thu của Công ty từ các giao dịch bán hàng cho New York & Company là 218 tỉ đồng. Trong đó, giá trị có thể thu hồi là 64,5 tỉ đồng, May Sông Hồng phải trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi 153,5 tỉ đồng. Đến quý II/2021, May Sông Hồng đã bán khoản phải thu trên với giá trị thu hồi là 80 tỉ đồng.
 
Theo số liệu trong bản cáo bạch, New York & Company là 1 trong 3 khách hàng truyền thống lớn của May Sông Hồng những năm gần nhất, chiếm 25% tổng doanh thu của mảng FOB (mảng kinh doanh chiếm khoảng 70% tổng doanh thu của Công ty), lớn nhất trong số các khách hàng chính. 
 
 
Hoạt động sản xuất của các nhà máy được duy trì tương đối ổn định và đón đầu được xu hướng hồi phục. Ảnh: Quý Hoà.
 
 
Ngay khi khó khăn ập đến, May Sông Hồng vừa xử lý khó khăn do ảnh hưởng đơn hàng của New York & Company vừa phải nhanh chóng tìm nguồn đơn hàng mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tự động hóa… Từ cuối quý I/2020, May Sông Hồng đã thành lập Ban Giám sát thu hồi công nợ và tối đa chỉ cho khách hàng nợ 2 triệu USD, nếu khách hàng trả chậm thì sẽ dừng xuất hàng.
 
Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch May Sông Hồng, chia sẻ trong Đại hội cổ đông vừa qua: “Đội ngũ kinh doanh đã rất linh hoạt chủ động trong việc khai thác các khách hàng và đơn hàng mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu hàng hóa của các nhà máy. Hoạt động sản xuất của các nhà máy được duy trì tương đối ổn định và đón đầu được xu hướng hồi phục nhu cầu hàng may mặc từ những thị trường xuất khẩu”.
 
Đi qua những khó khăn ở ngay thời điểm dịch COVID-19, lại cộng thêm khó khăn sau dịch và mất đơn hàng, năm 2022, May Sông Hồng đạt 5.521 tỉ đồng doanh thu, tăng 16,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 439 tỉ đồng, giảm 19,1% so với năm 2021. Dù vậy, Công ty vẫn đảm bảo chi trả cổ tức 25% bằng tiền mặt. So với kế hoạch đã được Đại hội cổ đông thông qua, doanh thu của Công ty tăng 12,7%, lợi nhuận trước thuế thấp hơn 12,2%.
 
Chia sẻ về tình hình kinh doanh của ngành và May Sông Hồng ở thời điểm hiện tại, đại diện Công ty cho biết các tập đoàn Mỹ, châu Âu đang dịch chuyển nhà máy sang những vị trí địa lý gần như Trung Mỹ, châu Phi để hạ giá thành vận chuyển, nhân công. Dù vậy, hàng phức tạp, hàng khó họ vẫn làm ở Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp lớn. “Các tập đoàn như Walmart, Target... vẫn gia tăng đơn hàng với May Sông Hồng. Tình hình khó khăn chung nhưng chúng tôi vẫn đang phát triển ổn định, tài chính lành mạnh”, vị này nói. 
 
Về tình hình đơn hàng năm nay, May Sông Hồng cho biết năm nào cũng có đơn hàng, có điều là hàng nhiều hay ít. Hiện đối với hàng dệt kim, các hãng có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường khác nên quý III có thể sẽ có chút khó khăn về đơn hàng, quý IV thì đơn hàng lại dồi dào.
 
Không chỉ May Sông Hồng, vào khoảng cuối năm 2018, Dệt May Thành Công cũng đối mặt với sự cố đối tác lớn tại Mỹ là Sears Holdings đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Cùng với việc xin bảo hộ phá sản của Sears là 49 công ty con, bao gồm 2 công ty là Sears, Roebuck and Co. và Kmart Corporation đang có giao dịch mua hàng với Dệt May Thành Công.
 
Theo ước tính lúc đó của Dệt May Thành Công, 2 công ty này đóng góp khoảng 7% doanh thu Công ty, tương đương với con số mất đi từ vụ phá sản này ghi nhận từ 175-224 tỉ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 cho thấy khoản phải thu của Dệt May Thành Công từ Sears, Roebuck and Co. và Kmart Corporation là hơn 100 tỉ đồng, trong đó, Công ty đã trích lập dự phòng khoảng 79 tỉ đồng. Cho đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa thu hồi được khoản phải thu trên và nâng trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi lên hơn 99 tỉ đồng.
 
Chưa gượng dậy sau những khó khăn do khách hàng phá sản, Công ty lại gặp khó vì dịch COVID-19 ập đến. Tính đến năm 2021, những khoản nợ và ảnh hưởng từ khách hàng phá sản vẫn đeo bám công ty này. Theo báo cáo tài chính quý đầu năm 2021, Dệt May Thành Công có khoản phải thu ngắn hạn hơn 405 tỉ đồng, tăng gần 43% so với hồi đầu năm. Chỉ riêng khoản nợ của Sears đã lên gần 100,5 tỉ đồng, chiếm 25% trong tổng cơ cấu nợ phải đòi ngắn hạn.
 
 
Thực tế, sau sự cố đơn hàng với đối tác Mỹ, Dệt May Thành Công đã tập trung hơn cho những đơn hàng lớn và tìm thị trường mới, đặc biệt là dàn trải đơn hàng ra nhiều thị trường khác nhau. Thị trường châu Á đang chiếm tỉ trọng chủ đạo trong cơ cấu xuất khẩu của Dệt May Thành Công (chiếm 58%), kế tiếp là châu Mỹ (36%) và châu Âu (5,08%). 
 
Trước Gilimex, một doanh nghiệp niêm yết khác cũng từng khốn khổ vì quá phụ thuộc vào một đối tác. Cụ thể, tháng 3/2019, YouTube công bố quyết định chấm dứt quan hệ hợp tác với mạng lưới đa kênh Yeah1 thuộc sở hữu của Yeah1 Group (mã chứng khoán YEG). Sự cố vận hành với YouTube đã khiến Yeah1 rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử. Dù khẳng định sẽ sớm trở lại, 6 tháng, 1 năm rồi 3 năm, lời hứa của Yeah1 Group vẫn chưa thành hiện thực. Những tuyên bố mạnh mẽ với hệ sinh thái Giga1 cũng không thành công và mảng thương mại truyền thông vẫn chưa thể cho quả ngọt.
 
Đối mặt chính thức với cổ đông tại Đại hội cổ đông năm 2019, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thẳng thắn thừa nhận, sau sự cố với YouTube đã có được bài học rất lớn: bài học mà Yeah1 Group phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để nhận lại, bài học để Yeah1 tiếp tục vươn ra trường quốc tế, bài học tư duy “Tại sao lại phụ thuộc vào một đối tác”, “Không nên xây nhà trên đất người khác” và là bài học chính bản thân lãnh đạo Tập đoàn chưa bao giờ lường trước được.
 
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2023, tại Đại hội cổ đông năm 2023 vừa qua, lãnh đạo Gilimex cho biết, doanh nghiệp đã bổ sung được khách hàng mới, với doanh thu từ Amazon chiếm 15-20%, đồng thời tiết lộ vụ kiện Amazon đã qua được bước quan trọng nhất là thụ lý hồ sơ, kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm trong năm 2023.