• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
24 Tháng Mười Một 2024 9:16:11 CH - Mở cửa
Startup chới với giữa 'mùa đông gọi vốn'
Nguồn tin: Saigon Times | 24/06/2023 1:00:00 CH
Dòng vốn rót vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam đang trong xu hướng giảm và dự báo đến cuối năm nay tình hình cũng không khả quan hơn.
 
 
Làm thế nào để vượt qua “mùa đông gọi vốn” đang là câu hỏi nhiều startup muốn tìm câu trả lời.
 
Những con số lo ngại
 
Theo Financial Times, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup trên toàn cầu đã giảm hơn 50% trong 12 tháng qua, do suy thoái kinh tế đè nặng lên việc định giá các nhóm công nghệ non trẻ. Nhà cung cấp dữ liệu Crunchbase cũng chỉ ra rằng, các quỹ mạo hiểm toàn cầu đã đầu tư 76 tỷ USD vào các startup trong 3 tháng đầu năm 2023, chưa bằng một nửa so với 162 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
 
Thậm chí, nhiều nhận định còn cho rằng nếu không có thương vụ Microsoft đầu tư 10 tỷ USD vào công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI, quý đầu tiên của năm 2023 sẽ là quý tồi tệ nhất đối với hoạt động đầu tư mạo hiểm trong hơn 5 năm trở lại đây.
 
Ở khu vực Đông Nam Á, những năm gần đây được xem là điểm đến của dòng vốn đầu tư mạo hiểm, tình hình cũng không mấy khả quan. Theo công ty dữ liệu đầu tư Preqin, kể từ đầu năm 2023 đến ngày 31-5, vốn đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á là 4 tỷ USD, giảm 65% so với 6 tháng đầu năm 2022. Đây là mức thấp nhất kể từ nửa cuối năm 2019. Vốn đầu tư vào Indonesia và Singapore đã giảm lần lượt 70% và 65% trong cùng giai đoạn này.
 
Dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy suy giảm đầu tư. Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 do Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) công bố ngày 30-3 vừa qua, cho thấy vốn đầu tư mạo hiểm năm 2022 vào startup ở Việt Nam giảm đến 56% so với năm trước, chỉ đạt 634 triệu USD, thông qua 134 thương vụ. Đặc biệt, các thương vụ trị giá hơn 50 triệu USD giảm mạnh.
 
Bước qua năm 2023 xu hướng giảm vẫn chưa dừng lại. Thống kê cho thấy trong quý I, các thương vụ rót vốn vào startup Việt Nam có tổng giá trị 95 triệu USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân kìm hãm hoạt động đầu tư trong 3 tháng đầu năm chủ yếu đến từ áp lực lãi suất cao và bất ổn địa chính trị toàn cầu gia tăng. Không chỉ giảm rót vốn, việc định giá các startup cũng không còn hào phóng như thời điểm 2021.
 
Asia Nikkei dẫn lời ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital nhận định về dòng vốn vào startup Việt thời gian này: "Dự đoán theo thời gian, định giá của nhiều startup Việt Nam có thể giảm 50% so với mức năm 2021. Vì khi dòng vốn đến từ cộng đồng đầu tư mạo hiểm ít đi, những người sáng lập sẽ thực tế hơn với các kỳ vọng về định giá startup".
 
Theo nhiều đánh giá, sự kiện một số ngân hàng Mỹ như Silicon Valley Bank (SVB), sau đó là Signature Bank và Silvergate Bank phá sản, đã tác động không nhỏ đến giới công nghệ và khởi nghiệp. Thêm vào đó, việc nhiều cổ phiếu công nghệ lớn trên thế giới giảm tốc, lãi suất nhiều ngân hàng lớn tăng mạnh, và khi kinh tế khó khăn những lời khuyên như “tiền mặt là vua”, đang khiến các startup nói chung và giới khởi nghiệp ở Việt Nam nói riêng trở nên ít hấp dẫn hơn. Các quỹ, nhà đầu tư sẽ cân nhắc trong việc rót vốn vào các công ty chỉ ở dạng tiềm năng và chỉ đưa vốn vào những nơi trú ẩn an toàn.
 
Startup Việt vẫn có cơ hội
 
Trong một lần chia sẻ với ĐTTC xung quanh câu chuyện các startup nên làm gì giữa “mùa đông gọi vốn”, và liệu các quỹ đầu tư có đang “ngủ đông” hay không, ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Đông A Solutions, nhận định các quỹ đầu tư, nhà đầu tư không hoàn toàn “ngủ đông” mà đang âm thầm tìm kiếm startup tốt, phù hợp để rót vốn.
 
Ông Việt nhắc đến câu nói khá phổ biến trong giới khởi nghiệp công nghệ: “Mùa đông để xây dựng”. Khi mọi thứ chậm lại, startup cần xây dựng năng lực, hệ thống của mình tốt hơn, để khi có thời cơ sẵn sàng tăng tốc gọi vốn. “Startup sinh ra để tìm kiếm những công thức thành công mới. Trong giai đoạn doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện tại, không tranh thủ tìm được lối đi, cách đi riêng và nhanh hơn, khó có thể gọi là startup” - ông Việt nhấn mạnh.
 
Ông Quang Nguyễn, Giám đốc đầu tư cao cấp Tập đoàn SK (Hàn Quốc), cho biết tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam 2 tỷ USD trong 5 năm qua. SK sẵn sàng rót vốn cho những nhà sáng lập giỏi và có ý tưởng kinh doanh tốt, nhất là trong các lĩnh vực đã có thành tích mang lại giá trị cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
 
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures, nhận định các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào tương lai Việt Nam với nền kinh tế vững chắc, lực lượng dân số trẻ am hiểu công nghệ và sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ về đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các nhà đầu tư xem đây là thời kỳ quan trọng, kỳ vọng các startup tập trung vào những yếu tố cốt lõi, xây dựng được những công ty bền vững và có sự uyển chuyển để vươn lên trong khó khăn.
 
Nhìn lại thời điểm vàng gọi vốn (giai đoạn từ trước nửa cuối năm 2022), đã có rất nhiều thương vụ khủng diễn ra và không ít startup đã lao vào con đường tăng tốc về quy mô và thị phần, rồi sau đó “ngã ngựa”. Điển hình là việc Propzy nhận đầu tư tới gần 30 triệu USD nhưng đã đóng cửa hồi tháng 9-2022.
 
Bên cạnh những ý kiến cho rằng startup này bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến khác nói sự rút lui của Propzy, ngoài việc cho thấy sự khốc liệt để tồn tại của một dự án khởi nghiệp, còn là dấu hiệu rõ ràng của sự dịch chuyển một xu thế, sự kết thúc của chu kỳ "tiền rẻ" (mặt bằng lãi suất thấp) và dòng vốn dễ. Vì sau khi gọi vốn thành công vào năm 2020, Propzy không công bố thêm bất cứ khoản đầu tư nào khác.
 
Thực tế, nhiều thống kê đã chỉ ra chỉ khoảng 5% startup khởi nghiệp thành công, còn tới 95% thất bại. Các quỹ đầu tư, nhà đầu tư mạo hiểm hiểu rõ điều này hơn ai hết. Họ có thể bỏ vốn vào nhiều startup nhưng chỉ cần 1-2 startup thành công là tốt. Nhưng trong giai đoạn này mọi thứ đã khác.
 
Trước khi rót vốn sẽ có nhiều cuộc cân lên đặt xuống, sàng lọc kỹ lưỡng. Những câu chuyện “trăm startup đua nở rồi sớm lụi tàn” sẽ dần vắng bóng. Đây là thời điểm để các startup thực tế hơn, bớt ảo tưởng trong định giá doanh nghiệp khi kêu gọi vốn đầu tư.
 
Các quỹ đầu tư, nhà đầu tư không hoàn toàn “ngủ đông” mà đang âm thầm tìm kiếm startup tốt, phù hợp để rót vốn. Đây là thời điểm để các startup thực tế hơn, bớt ảo tưởng trong định giá doanh nghiệp khi kêu gọi vốn đầu tư.