Khi Israel đang xem xét các phương án để tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên vào thị trường toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách nên rút ra bài học từ hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga, theo bài viết của nhà phân tích Gina Cohen trên The Jerusalem Post.
Sau nhiều thập kỷ với một tư duy không đổi, vào năm 2022-2023, thị trường khí đốt toàn cầu đã trải qua một sự thay đổi chưa từng có giữa xuất khẩu khí đốt qua đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga cho châu Âu, dù vẫn ổn định ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, đã giảm một nửa vào năm 2022, từ 170 tỷ m3 xuống còn 80 tỷ m3, và vào năm 2023 dự kiến sẽ giảm thêm 50% xuống còn khoảng 40 tỷ m3. Như vậy, trong 2 năm tới, Nga có khả năng đối mặt với việc khí đốt xuất khẩu sẽ giảm 130 tỷ m3. Nếu ước tính khiêm tốn giá khí đốt trung bình trong giai đoạn này khoảng 10 USD/MMBtu, điều này sẽ dẫn đến tổn thất 50 tỷ USD trong doanh thu xuất khẩu hàng năm của Nga.
Xuất khẩu đường ống của Nga sang châu Âu giảm mạnh mặc dù thực tế là khí đốt qua đường ống thường rẻ hơn và đảm bảo nguồn cung an toàn hơn cho người mua so với LNG.
Nguồn cung LNG của Nga sang châu Âu tăng
Khi xuất khẩu khí đốt đường ống của Nga sang châu Âu đang rơi tự do, thì ngược lại, nguồn cung LNG của Nga sang châu Âu lại tăng lên tăng 20% vào năm 2022.
Điều đó xảy ra chủ yếu do tính linh hoạt và “gần như ẩn danh” của LNG, được vận chuyển và qua tay nhiều bên khác nhau trên toàn cầu.
Nếu Nga có chiến lược tốt hơn và xây dựng nhiều nhà máy xuất khẩu LNG hơn, thì họ đã có thể duy trì một số thị trường nhất định ở châu Âu và vận chuyển nhiều khí đốt hơn đến các khu vực khác.
Trong khi đó, Israel hiện đang trong quá trình quyết định nên tập trung vào cơ sở hạ tầng đường ống hay mạo hiểm tham gia vào thị trường LNG toàn cầu thông qua một hệ thống LNG nổi chuyên dụng. Khi làm như vậy, quốc gia này cần cân nhắc những ưu và nhược điểm của việc sử dụng các đường ống rẻ hơn và dễ xây dựng hơn, so với lựa chọn LNG khó khăn hơn và tốn kém hơn về mặt kỹ thuật nhưng linh hoạt hơn. Lựa chọn thứ hai sẽ mở ra khả năng xuất khẩu khí đốt của Israel tới hơn 44 quốc gia nhập khẩu LNG.
Các đường ống khiến người bán và người mua phụ thuộc lẫn nhau. Như lịch sử quan hệ giữa Nga và châu Âu cho thấy, sự phụ thuộc lẫn nhau như vậy có thể tạo ra liên minh cũng như căng thẳng chính trị. Khi căng thẳng xảy ra, cơ sở hạ tầng đường ống là nạn nhân đầu tiên.
Mối quan hệ giữa các quốc gia cũng có thể được củng cố với nguồn cung cấp LNG, giống như với khí đốt qua đường ống, mà không có những rủi ro như phụ thuộc quá mức vào một thị trường, nguồn cung bị cắt giảm, cơ sở hạ tầng bị hư hại hoặc quy định bị thay đổi. Ví dụ, vào ngày 19/6/2023, Liên minh châu Âu đã sửa đổi mục tiêu về tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2030 từ 32% lên 45%. Không có gì ngạc nhiên khi các khách hàng châu Âu đang trở nên miễn cưỡng hơn trong việc ký các hợp đồng nhập khẩu khí đốt dài hạn mới.
Có những lợi ích to lớn cho Israel từ việc xuất khẩu khí đốt như hiện tại sang Ai Cập và Jordan. Nhưng một điều quan trọng nữa là phải xúc tiến các dự án mới đến Ai Cập.
Tuy nhiên, đối với giai đoạn mở rộng xuất khẩu khí đốt trị giá hàng tỷ USD tiếp theo của Israel, quốc gia này nên rút ra bài học từ ví dụ của Nga và có thể đầu tư vào sản xuất LNG. Khí đốt từ một cơ sở như vậy có thể được cung cấp cho châu Âu, châu Á và thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, đồng thời biến Israel trở thành một công ty cung cấp khí đốt toàn cầu - bất kể diễn biến chính trị như thế nào.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Gina Cohen, là nhà phân tích khí tự nhiên, nhà tư vấn, giảng viên tại trường đại học và tại các hội nghị quốc tế, đồng thời là tác giả của hai cuốn sách về khí tự nhiên.