Công ty hóa chất khổng lồ BASF của Đức mới đây đã hạ dự báo lợi nhuận trước khi trả thuế và lãi vay (EBIT) trong năm 2023, từ mức 4,4 tỷ euro (4,9 tỷ USD) công bố trước đó xuống còn 4 tỷ euro.
EBIT của quý 2/2023 cũng được công ty điều chỉnh giảm 57% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1,01 tỷ euro. Con số này phù hợp với mức dự báo trung bình mà các nhà phân tích đã đưa ra.
Việc BASF điều chỉnh triển vọng lợi nhuận nằm trong chuỗi các động thái tương tự mà nhiều công ty hóa chất đã thực hiện, do gặp nhiều khó khăn bởi nhu cầu của các khách hàng công nghiệp yếu và lãi suất cao hơn.
BASF nhấn mạnh, trong nửa đầu năm 2023, hoạt động sản xuất hóa chất toàn cầu giảm rõ rệt, trong bối cảnh sản lượng công nghiệp tăng trưởng chậm. Ngay từ tháng 10 năm ngoái, BASF đã nhận thấy nhu cầu tại châu Âu có xu hướng yếu đi. Công ty đã lên kế hoạch cắt giảm chi phí, trong đó có chương trình cắt giảm 2.600 việc làm tại khu vực trong năm 2023.
Tương tự BASF, các "đại gia" trong ngành hóa chất như Croda, Lanxess, Victrex, Clariant và Evonik, gần đây đều đã hạ dự báo lợi nhuận.
BASF, cũng như toàn bộ ngành công nghiệp hóa chất, phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc - quốc gia chiếm hơn 40% nhu cầu hóa chất toàn cầu. Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm.
Trả lời phỏng vấn báo giới hồi đầu tháng 7/2023, người đứng đầu Hiệp hội công nghiệp hóa chất Đức (VCI) cho biết dự báo của VCI về mức giảm 5% trong hoạt động sản xuất của ngành trong năm 2023 sẽ sớm phải được điều chỉnh thấp hơn.