Chính phủ Pháp dự kiến sẽ cắt giảm gần 5 tỷ euro trong ngân sách tài khoá năm 2024 so với năm 2023 nhằm hạn chế mức tăng nợ công hiện đã lên đến 111,6% do triển khai các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và hạn chế các tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo dự luật ngân sách mới được trình lên Quốc hội, Chính phủ Pháp cho biết, ngân sách công của Pháp năm 2024 sẽ bị cắt giảm 4,8 tỷ euro so với năm 2023, xuống chỉ còn 356 tỷ euro. Đây cũng là lần đầu tiên ngân sách công của Pháp bị cắt giảm kể từ năm 2015.
Để hạn chế chi tiêu, Chính phủ Pháp sẽ giảm mạnh các biện pháp lá chắn thuế quan năng lượng và trợ cấp giá nhiên liệu từ mức 21,7 tỷ euro xuống chỉ còn 7,7 tỷ euro, dừng gói hỗ trợ tài chính lên tới 3 tỷ euro cho các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, bãi bỏ chính sách giảm thuế nhằm kích thích người dân mua bất động sản mới...
Bộ trưởng Ngân khố Gabriel Attal và Bộ trưởng kinh tế Bruno Le Maire. (Ảnh: Le Monde)
Bộ trưởng Ngân khố Pháp, ông Gabriel Attal nhấn mạnh: “Để cắt giảm chi tiêu, Chính phủ sẽ phải chấm dứt các biện pháp đặc biệt đang được triển khai để ngăn chặn khủng hoảng lạm phát, nhất là khoản tiền trợ cấp năng lượng và từng bước dừng hẳn các chương trình lá chắn thuế quan đối với giá năng lượng”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Pháp ông Bruno Le Maire giải thích, việc cắt giảm ngân sách công là nhằm hướng tới mục tiêu đưa nợ công của Pháp từ mức 111,6% tổng thu nhập quốc nội (GDP) trong năm 2022 xuống còn 108,3% vào năm 2027. Pháp hiện cũng là một trong những nước có mức thâm hụt ngân sách cao nhất châu Âu với 4,7% trong năm 2022, vượt xa tiêu chí 3% mà Uỷ ban châu Âu đặt ra.
Theo Uỷ ban điều tiết năng lượng Pháp, ngân sách công của Pháp đã phải tiêu tốn khoảng 110 tỷ euro trong giai đoạn 2021 - 2023 để hạn chế sự tăng giá điện và nhiên liệu do tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng Ukraine.
Mặc dù cắt giảm chi tiêu công trong năm 2024, Chính phủ Pháp vẫn tiếp tục dành ưu tiên tăng ngân sách cho một số lĩnh vực được đánh giá là thiết yếu, nổi bật trong đó là thêm 7 tỷ euro cho vấn đề chuyển đổi năng lượng, 3,9 tỷ euro cho ngành giáo dục và 3,3 tỷ euro cho quốc phòng.
Trước Pháp, nền kinh tế số 1 châu Âu là Đức dự kiến cũng cắt giảm 30 tỷ euro chi tiêu ngân sách và vay mới trong năm 2024 trước các dự báo kém lạc quan về triển vọng kinh tế có khả năng tăng trưởng âm trong năm nay.