Ngành sắn đặt mục tiêu đến năm 2028, kim ngạch xuất khẩu ngành sắn Việt Nam đạt 2 tỷ USD/năm, tầm nhìn năm 2050 đạt 2,5 tỷ USD/năm.
Ngày 30/6, tại tỉnh Tây Ninh, Hiệp hội Sắn Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 3 và bầu Ban chấp hành mới, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Ông Nghiêm Minh Tiến tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Đại hội cũng đặt mục tiêu đến năm 2028 kim ngạch xuất khẩu ngành sắn Việt Nam đạt 2 tỷ USD/năm, tầm nhìn năm 2050 đạt 2,5 tỷ USD/năm.
Ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, trong 10 năm gần đây, tốc độ phát triển ngành sắn của Việt Nam đã có sự tăng trưởng khá mạnh. Hiện nay, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 530.000 ha/năm, sản lượng đạt trên 10 triệu tấn củ sắn tươi/năm. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sắn sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia... tăng từ 0,958 tỷ USD (năm 2018) lên gần 1,5 tỷ USD (năm 2022).
Cây sắn và ngành công nghiệp chế biến từ tinh bột sắn đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, đóng góp không nhỏ trong việc xoá đói giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương trong cả nước.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, những năm qua, diện tích trồng sắn của Tây Ninh liên tục tăng, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có gần 62.000 ha sắn; năng suất bình quân đạt trên 32 tấn/ha. Hiện tỉnh có 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất đạt hơn 4 triệu tấn sắn/năm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong cho biết, trong thời gian tới, Tây Ninh sẽ tiếp tục duy trì và phát triển diện tích trồng sắn khoảng từ 55.000 đến 65.000 ha/năm; nâng cao năng suất và hướng đến kiểm soát dịch bệnh khảm lá sắn bằng các giống mới, cho năng suất cao; đồng thời, tiếp tục đổi mới công nghệ chế biến, đầu tư phát triển dây chuyền, đa dạng hoá sản phẩm chế biến sâu sau tinh bột; tận dụng các phụ phẩm sau chế biến, nâng cao giá trị chuỗi sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.
Tại Đại hội, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã đề ra các giải pháp, phương hướng như: duy trì diện tích sắn cả nước đạt từ 500.000 - 520.000 ha/năm. Hạn chế tình trạng cạnh tranh thu mua không lành mạnh, gây thiệt hại chung cho ngành sắn trong nước; kiểm soát an toàn dịch bệnh trên cây sắn; đầu tư mở rộng ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến, nâng tỷ lệ chế biến sâu sau tinh bột sắn từ 6,7% lên 15%; mở rộng, đa dạng hóa thị trường…
Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam Nghiêm Minh Tiến cũng cho biết, thời gian qua Hiệp hội sắn đã có các buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái, Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum, Bình Định, Đắk Lắk, Tây Ninh để đánh giá thực trạng vùng nguyên liệu sắn và quy mô sản xuất tinh bột sắn, nhằm đảm bảo sản xuất ổn định, phát triển bền vững cây sắn ở các địa phương./.