Khách hàng lớn nhất là Trung Quốc đang giảm mua sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam. Trong khi xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Nhật Bản lại tăng đột biến 1.285% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, nước ta xuất khẩu được 192,91 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, thu về 80,22 triệu USD, tăng 1,6% về lượng và tăng 5,5% về giá trị so với tháng 4/2023. So với tháng 5 năm ngoái, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn trong tháng 5/2023 vẫn giảm 25,7% về lượng và giảm 29,5% về giá trị.
Giá xuất khẩu bình quân ở mức 415,8 USD/tấn, tăng 3,8% so với tháng 4/2023, nhưng giảm 5,1% so với tháng 5/2022.
Tính đến hết tháng 5/2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,36 triệu tấn, với 528,56 triệu USD, giảm 6,1% về lượng và giảm 15,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023.
Trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 1,22 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, giá trị đạt 467,62 triệu USD, giảm 8% về lượng và giảm 18,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Ngược lại, xuất khẩu sang một số thị trường vẫn tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đáng chú ý là các thị trường Nhật Bản, Malaysia...
Cụ thể, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản đạt 2,39 nghìn tấn, thu về 1,22 triệu USD, tăng đột biến 1.285% về lượng và tăng 947,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, xuất khẩu sang Malaysia cũng tăng 135,2% về lượng và tăng 129,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại các nhà máy chế biến, nguồn hàng sắn nguyên liệu tồn kho ít nên giá bán cao. Tồn kho tinh bột sắn tại Trung Quốc ở mức thấp, giá FOB Bangkok (Thái Lan) ở mức cao nên phía khách hàng Trung Quốc cũng chấp nhận mua ở mức giá khá cao, dù đã vào mùa nắng nóng.
Khách hàng Trung Quốc hỏi mua tinh bột sắn tại Tây Ninh nhiều hơn, giá dao động quanh mức 520 USD/tấn, FOB.