• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 6:58:23 CH - Mở cửa
Khát vọng Vũ Văn Tiền
Nguồn tin: Báo Dân Việt | 27/07/2023 5:10:00 CH
“Đã sinh ra doanh nghiệp tư nhân thì chỉ có cống hiến và khát vọng. Chúng ta cùng nhau khởi nghiệp, làm sao cho mục tiêu GDP tăng trưởng gấp 10 lần so với hiện nay”, đây là câu nói của ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco với cộng đồng doanh nghiệp.
 
Bí quyết thành công là khát vọng và dấn thân
 
Nhìn vào một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh có vốn chủ sở hữu 14.500 tỷ đồng, tổng tài sản 52.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động như ngày nay, ít ai biết Geleximco tiền thân là một công ty TNHH nhỏ ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng.
 
Ông Vũ Văn Tiền – "thuyền trưởng" Geleximco vốn sinh ra tại quê lúa Thái Bình, "một nông dân nghèo khó chính hiệu, đậm chất lúa" theo như cách nói của Tiến sĩ kinh tế Lê Xuân Nghĩa.
 
Những năm đầu 80 của thế kỷ trước, ông Vũ Văn Tiền đang theo học Sỹ quan kỹ thuật – Học viện Kỹ thuật quân sự, vì ham tìm hiểu về kinh tế nên đã xuất ngũ, thi vào trường Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Tiền bắt đầu làm việc tại Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp. Đến năm 1992, nhận thức được rằng đất nước sẽ phải hình thành và phát triển tầng lớp doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, ông quyết định xin nghỉ việc để ra ngoài làm kinh doanh. Khi đó, đất nước mới chập chững bước vào thời kỳ đổi mới.
 
 
 
Ông Vũ Văn Tiền – Chủ tich HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco
 
Nghĩ là làm, năm 1993, với niềm tin và những khát vọng lớn lao của mình, ông Tiền thành lập doanh nghiệp tư nhân cũng như vận động Chính phủ chính thức công nhận doanh nghiệp, đó là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp. Geleximco với tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội ra đời trong hoàn cảnh đó.
 
"Nếu không có những người đi tiên phong như vậy, làm sao có hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam sau này?", TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.
 
Geleximco trở thành hình mẫu đầu tiên của việc liên doanh với nước ngoài. Ông Tiền tiên phong liên doanh lên đến 30% cổ phần với Honda để thành lập công ty chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy cung cấp cho các hãng Yamaha, Suzuki, Kawasaki và Honda Việt Nam. Ngoài ra, liên doanh còn lắp ráp xe máy Honda với công suất 400.000 xe/năm. Xe máy Honda do Công ty lắp ráp đã từng có thời kỳ làm khuynh đảo thị trường cả nước. Thậm chí, nhiều người chỉ biết đến Vũ Văn Tiền với cái tên thân mật là "Tiền Honda".
 
Sau sự mở đầu đó, ông Tiền tiếp tục mở rộng các lĩnh vực hoạt động. Geleximco liên tục phát triển theo cấp số nhân những năm sau và đến nay đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, hoạt động đa dạng với 4 lĩnh vực chính gồm: Sản xuất Công nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Bất động sản và Thương mại – Dịch vụ. 
 
Nhiều dự án bất động sản do Geleximco xây dựng, phát triển được thị trường rất quan tâm ngay từ những ngày đầu xuất hiện như Khu đô thị Thành phố giao lưu có diện tích 97ha, Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn có diện tích 147ha, Khu đô thị Gelexia Riverside hơn 3,5ha, Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh) 37ha; Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Hải Phòng) 700ha, dự án An Bình Plaza, Geleximco Southern Star…
 
Trong lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ, Geleximco sở hữu và vận hành hệ thống khách sạn Hạ Long Dream, Thái Bình Dream, sân golf Hilltop Valley Golf Club, đang đầu tư xây dựng thêm các khách sạn 5 sao và sân golf 27 lỗ chuẩn quốc tế tại Hà Nội và Hải Phòng. 
 
Ngoài ra, Geleximco còn là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như Ngân hàng TMCP An Bình, Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình...
 
Trong số các lĩnh vực hoạt động của Geleximco, công nghiệp luôn là thế mạnh và được ưu tiên đầu tư. Đó cũng là đam mê của vị doanh nhân quê lúa.
 
Nhắc đến niềm đam mê này, nhiều cộng sự thân cận với ông vẫn kể, không ít lần có ý can ngăn vì "làm công nghiệp quá vất vả, rủi ro đầy rẫy", nhưng ông lại thuyết phục "làm công nghiệp vất vả nhưng là cái lõi của kinh tế, tạo ra sự thay đổi ở các địa phương và đem đến nhiều công ăn việc làm cho xã hội".
 
Geleximco đã tăng tỷ trọng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn như Nhà máy Giấy và Bột giấy An Hòa (450 triệu USD) tại Tuyên Quang, Nhà máy Xi măng Thăng Long (350 triệu USD) và Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long tại Quảng Ninh (900 triệu USD). Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long 600MW là nhà máy nhiệt điện tư nhân lớn nhất hiện nay.
 
Gần đây nhất, Geleximco tiếp tục ký thỏa thuận thuê đất và hạ tầng ở Thái Bình để xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô. Một lần nữa, cái tên Geleximco lại tiếp tục gây "sốt" thị trường, đặc biệt khiến ngành ô tô xôn xao. Với những gì đã làm được, nhiều chuyên gia kinh tế đặt kỳ vọng lớn vào bước đi này của Geleximco.
 
 "Nhìn vào danh mục đầu tư, có thể gọi ông Tiền là một trong những doanh nhân kinh doanh đa ngành nhất Việt Nam. Sự chuyển hướng đó rất phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, phù hợp với quy luật của thị trường và bối cảnh quốc tế", TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
 
 
Vị doanh nhân cả đời khởi nghiệp
 
Bắt đầu kinh doanh với số vốn khiêm tốn, đến nay, tổng tài sản lên tới 52.000 tỷ đồng nhưng doanh nhân Vũ Văn Tiền vẫn chưa có ý định ngừng nghỉ bởi còn nhiều mong muốn lớn hơn nữa. Ông từng nói sẽ khởi nghiệp cả đời vì khát khao cống hiến cho đất nước, gắn liền với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
 
Với mục tiêu làm giàu không chỉ cho bản thân, từ rất sớm ông đã nghĩ đến việc phải hình thành một cộng đồng doanh nghiệp cùng tương trợ phát triển. "Đã sinh ra doanh nghiệp tư nhân thì chỉ có cống hiến và khát vọng. Chúng ta cùng nhau khởi nghiệp, làm sao cho mục tiêu GDP tăng trưởng gấp 10 lần so với hiện nay", đây là lời mà ông Vũ Văn Tiền từng nói với cộng đồng doanh nghiệp.
 
Cộng đồng doanh nhân Sao Đỏ gọi ông Vũ Văn Tiền là người anh cả, không chỉ bởi ông là thế hệ doanh nhân Sao Đỏ đầu tiên. "Anh Tiền luôn muốn quy tụ những doanh nhân đã trưởng thành để truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nhân trẻ có cùng chí hướng khởi nghiệp và cách làm giàu chân chính. Anh ấy cũng mong các doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa hợp tác để "cùng thắng", ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ cho biết.
 
Doanh nhân Vũ Văn Tiền còn tham gia Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, tham gia đề xuất cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, thẳng thắn, trực diện, không ngại động chạm nhưng vô cùng thuyết phục.
 
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa từng kể cách ông Tiền ngầm cảnh báo về những nguy cơ, rủi ro của hệ thống tài chính trong các câu chuyện riêng, hoặc cố tình nói ra thật nhiều để thu hút sự chú ý... "Những người hoạt động thực tiễn như ông sẽ nhìn nhận vấn đề này như thế nào, cảm thấy có điều gì tốt, có điều gì bất an… là điều mà những người như tôi rất cần và ao ước tiếp cận được. Những kiến nghị chính sách của tôi có giàu tính thực tiễn hay không là nhờ vào những người như ông Tiền", ông Nghĩa đánh giá.
 
Bên cạnh đóng góp trên khía cạnh kinh doanh, các công tác thiện nguyện cũng là yếu tố được vị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco chú trọng. Geleximco thường xuyên có mặt trong các hoạt động vì cộng đồng tại các vùng miền của cả nước rất nhiều năm qua, trên mọi lĩnh vực từ y tế, giáo dục đến xây dựng và tu tạo các di tích lịch sử, công trình văn hóa cũng như thường xuyên tham gia ủng hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp đỡ người nghèo, người thiếu may mắn trong xã hội…
 
Trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19, Geleximco đã đóng góp cho chiến dịch phòng, chống Covid-19 hơn 70 tỷ đồng, bên cạnh đó còn đóng góp trực tiếp cho công tác phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh trên hệ thống, tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo an toàn, giữ gìn sức khỏe của cán bộ, nhân viên trong lao động.
 
Với doanh nhân Vũ Văn Tiền, những hành động như vậy được coi là sự hiển nhiên, việc chia sẻ được xem là hạnh phúc và trở thành nhu cầu tự thân. Các trợ lý của ông đã rất quen với việc ông hay hỗ trợ, làm thiện nguyện trong im lặng, không muốn truyền thông nhắc tới. Tinh thần này đã lan tỏa tới hàng chục ngàn người lao động trong hệ thống Geleximco.
 
"Ông Tiền là doanh nhân đặc biệt. Những điều ông nói, ông mong muốn thay đổi không phải phục vụ cho việc kinh doanh của ông mà là vấn đề của đất nước", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.