Những giấc mơ về câu chuyện hồi sinh dự án CT1 – 104 của khách hàng dự án Usilk City đã không trở thành hiện thực, khi đã hơn 4 năm trôi qua kể từ khi BIDGROUP được cộng đồng tán dương khi dang tay giải cứu dự án cùng với Sông Đà Thăng Long thực hiện toàn bộ các công việc dở dang, hoàn thiện dự án. Hiện tại, dự án mới được thi công xong phần kết cấu và xây thô bên ngoài, công trường gần như dừng thi công.
Nhìn từ quyết tâm hồi sinh dự án, hiên thực hoá ước mơ có nhà cho khách hàng
BIDGROUP là tập đoàn đa ngành, kinh doanh nhiều lĩnh vực như: Bất động sản (BĐS), đầu tư tài chính, thương mại, nông nghiệp, giáo dục... Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động nổi trội nhất của đơn vị này là BĐS, với những thương vụ “giải cứu” các dự án lớn đã “đắp chiếu” nhiều năm.
Trả lời trên báo chí, ông Trần Văn Mạnh người đứng đầu BIDGROUP từng chia sẻ: Tôi cùng các cộng sự của mình đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tái khởi động và đưa nhiều dự án ngưng trệ về đích như tòa nhà The Garden Hill, Bright City, Lâm Viên Complex, CT Number One, AZ Sky Định Công…
Chủ tịch BIDGROUP Trần Văn Mạnh ( Ảnh: ĐT).
“Tòa CT1-104 của Usilk City là dự án thứ 6 mà chúng tôi tham gia trong vai trò như vậy. Đây thực sự là dự án mà BIDGROUP đã nghiên cứu kỹ lưỡng, quyết tâm đưa về đích, hiện thực hóa ước mơ có nhà của hàng trăm khách hàng đã phải chờ đợi mòn mỏi cả thập kỷ”, ông Mạnh chia sẻ với báo chí.
Theo lãnh đạo BIDGroup, xét về yếu tố thương mại, việc “giải cứu” những dự án khó kiểu này thường không mang lại nhiều lợi ích kinh tế, lợi nhuận thấp hơn so với các dự án khác. Nhưng đó là hướng đi chiến lược để BIDGroup có thể thực hiện trách nhiệm cộng đồng, an sinh xã hội, giúp những người dân đã bỏ tiền tỷ có cơ hội nhận được nhà sau nhiều năm chờ đợi.
Thời điểm 2009, dự án Usilk City (Hà Đông) được ví như “bom tấn” của BĐS Hà Nội với quy mô lên tới 9,2ha, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư; dự kiến bàn giao năm 2012-2013. Thế nhưng, sau giai đoạn khởi công, khu phức hợp Usilk City thi công nhỏ giọt và đến giữa năm 2011 thì dừng triển khai hoàn toàn.
Dự án CT1-104 Usilk City bao gồm 2 tòa chung cư cao tầng: tòa A 50 tầng và tòa B 33 tầng, được chủ đầu tư khởi công vào năm 2009 và hoàn thành được 5 tầng khối đế thì dự án nằm bất động. Tính đến thời điểm dừng thi công, chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long đã bán 367 trong tổng số 696 căn hộ cho khách hàng.
Để chấm dứt tình trạng “đắp chiếu” Usilk, chủ đầu tư chuyển nhượng dự án cho các doanh nghiệp khác. Đến tháng 4/2019, CĐT Công ty cổ phần Sông Đà -Thăng Long đã ký hợp đồng hợp tác phát triển dự án với Công ty cổ phần BIDGROUP và đổi tên thương mại thành BID RESIDENCE. Theo đó, CĐT Sông Đà Thăng Long giao cho Công ty BIDGROUP tiếp tục đầu tư, thực hiện toàn bộ các công việc dở dang nhằm hoàn thiện dự án. Sau khi hợp tác phát triển, CĐT Sông Đà Thăng Long và Công ty BIDGROUP đã điều chỉnh lại thiết kế của dự án (chia nhỏ diện tích căn hộ để tăng số lượng quỹ căn hộ) và Công ty BIDGROUP được phân chia kinh doanh 447 căn hộ trong tổng số 806 căn. Công ty BIDGROUP đã dùng uy tín của mình để quảng cáo, bán những căn hộ được chia cho khách hàng mới.
Tháng 6/2019, tòa nhà 104 – CT1 bắt đầu triển khai lại trên nền móng 5 tầng bị bỏ hoang nhiều năm với tên gọi mới BID Residence. Trong bối cảnh khan hiếm dự án mới như hiện nay, BID Residence được cho là sẽ giải “cơn khát” nhà ở, cung cấp cho thị trường 806 căn hộ cao cấp tại vị trí “vàng” ở quận Hà Đông.
Tới hiện thực… dự án BID Residence tiếp tục “bị đắp chiếu”
Trao đổi với Thương hiệu và Công luận, chị Nguyễn Thị Thoa – đại diện khách hàng mua nhà tại dự án CT1-104 Dự án Usilk city Tố Hữu, nay tên thương mại là BID RESIDENCE cho hay: Bằng thương hiệu và cam kết đồng hành cùng khách hàng để hoàn thành dự án, bàn giao nhà cho khách hàng của BIDGROUP, khách hàng chúng tôi đã đặt niềm tin và mua căn hộ dự án qua Công ty BIDGROUP. Phần lớn khách hàng chúng tôi đã mua nhà bằng chính sách cho vay vốn từ 2 ngân hàng Vietcombank và BIDV qua sự chỉ định của BIDGROUP. Trong đó, đa số các khách hàng đã nộp đạt 95% giá trị căn hộ và một số hợp đồng có quy định thời hạn bàn giao nhà là quý IV/2021, quý I/2022, quý IV/2022 và quý I/2023.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại là Quý II/2023, dự án mới được thi công xong phần kết cấu và xây thô bên ngoài, công trường gần như dừng thi công vì số lượng công nhân chỉ khoảng 20 người. Trong khi đó, số tiền BIDGROUP thu được từ khách hàng đã vượt xa so với khối lượng BIDGROUP bỏ ra để thi công dự án.
Hiên tại dự án CT1 -104 mới được thi công xong phần kết cấu và xây thô bên ngoài, công trường gần như dừng thi công
Khách hàng chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu tổ chức cuộc họp 3 bên: CĐT Sông Đà Thăng Long – BIDGROUP – Khách hàng để trao đổi, làm việc nhưng mọi cam kết và lời hứa của BIDGROUP trong các biên bản cuộc họp đều không thực hiện được.
Thực tế, sau khi mua nhà, khách hàng chúng tôi mới biết được việc Sông Đà Thăng Long và BIDGROUP điều chỉnh thiết kế, chia nhỏ căn hộ và bán căn hộ khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, BIDGROUP và Sông Đà Thăng Long đã vi phạm quy định theo Khoản 1, Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014: “Điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt,…”
“Chúng tôi đều là những khách hàng chưa có chỗ ở và phải vay tiền để mua nhà. Trong thời gian qua rất nhiều gia đình chúng tôi đã lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khốn đốn trong cảnh đi thuê nhà ở, đồng thời hằng tháng chúng tôi phải trả nợ, trả lãi vay cho ngân hàng”, Chị Thoa đại diện khách hàng chia sẻ.
Sông Đà Thăng Long khẳng định BIDGROUP né tránh trách nhiệm
Trao đổi với Phóng viên tại buổi làm việc, ông Vũ Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Sông Đà Thăng Long cho hay: “Với vai trò pháp lý công ty Sông Đà - chủ đầu tư, chúng tôi vẫn phải gánh trách nhiệm, vẫn phải làm. Hiện nay, chúng tôi đã tiếp quản một số việc, đang rà soát lại toàn bộ khối lượng thực hiện của BIDGROUP để chốt lại. Thứ hai, chúng tôi đang liên hệ với ông Trần Văn Mạnh lãnh đạo của BIDGROUP để làm rõ liệu BIDGROUP còn tiếp tục triển khai dự án hay không đồng thời yêu cầu BIDGROUP có câu trả lời với khách hàng về hậu quả khi dự án bị dừng lại như thế nào, câu chuyện hỗ trợ lãi suất khách hàng ra sao cần phải làm rõ.
Thứ ba, về câu chuyện hợp tác giữa Sông Đà Thăng Long và BIDGROUP, chúng tôi đã có hợp đồng hợp tác đầu tư, còn về hợp đồng tổng thầu, theo quy định, chúng tôi không không thể làm chuyển nhượng dự án thành phần, vì bây giờ theo quy định của Hà Nội không thể làm được, nên mới phải sinh ra hợp đồng tổng thầu để nguồn tiền khi khách hàng đóng vào chảy qua tài khoản của Sông Đà Thăng Long đi vào thẳng tài khoản của BIDGROUP. Vì vậy, BIDGROUP không thể nói rằng chúng tôi chỉ là tổng thầu, tôi khẳng định đấy là câu nói thiếu trách nhiệm”.
Khách hàng tới trụ sở BIDGROUP để căng băng rôn đề nghị BIDGROUP thi công dự án để sớm bàn giao nhà
“Bản thân Sông Đà Thăng Long khi đưa BIDGROUP vào triển khai dự án CT1 -104 với mong muốn làm sao để bàn giao được nhà cho khách hàng. Hiện tại, phía BIDGROUP đã huy động được 635 tỷ đồng tiền mặt, chúng tôi đang yêu cầu BIDGROUP nhanh chóng triển khai dự án, hoàn tiền mặt cho khách hàng, về phía Sông Đà Thăng Long chúng tôi cũng phải tìm phương án để tiếp tục triển khai dự án”, ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, hiện Sông Đà Thăng Long có 2 phương án, một là tìm nhà đầu tư khác, hai là Sông Đà Thăng Long phải chủ trì hợp tác giữa khách và nhà đầu tư để cùng nhau làm. Tuy nhiên, chúng tôi cần một cuộc họp với lãnh đạo BIDGROUP để có được thông báo chính thức về việc BIDGROUP có tiếp tục triển khai dự án hay không.
Liên quan tới số tiền 635 tỷ BIDGROUP thu của khách hàng tại dự án CT1-104, ông Dũng cho hay: Sau khi 2 bên công ty quyết toán xong nếu dư tiền thì bên BIDGROUP phải chuyển vào tài khoản chung để trả lại khách hàng, vì nguồn tiền chi trả là tiền thu từ khách hàng. Hoặc phương án tiếp theo của BIDGROUP đối với hợp đồng mà họ bán, thì phía BIDGROUP phải chủ động làm việc với khách hàng để đưa phương án cuối cùng.
Phương án tiếp theo, nếu Sông Đà Thăng Long tiếp quản dự án, thì chúng tôi sẽ tiếp quản nguồn thu còn lại, Sông Đà Thăng Long sẽ huy động các nguồn lực còn lại và nguồn lực cá nhân của ban lãnh đạo công ty để huy động 15-20 tỷ đồng để tái khởi động dự án, khi dự án chạy được thì chúng ta mới nói tới chuyện khách hàng tiếp tục đóng tiền vào để triển khai dự án. Muốn người ta đóng tiền thì phải làm, phải chứng minh. “Tôi có thể khẳng định đến giờ phút này BIDGROUP chưa bỏ 1 đồng nào để triển khai dự án CT1-104, họ triển khai dự án bằng tiền họ huy động ban đầu từ người mua nhà, đồng thời phía Sông Đà Thăng Long cho BIDGROUP mượn tài sản thế chấp tại Agribank”, ông Dũng bức xúc.
Về tiến độ dự án, ông Dũng khẳng định sẽ trao đổi với BIDGROUP nếu họ có câu trả lời không tiếp tục triển khai dự án, bên Sông Đà Thăng Long sẽ huy động vốn, bằng mọi giá quyết tâm khởi động lại dự án trong quý 3/2023. “Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào câu trả lời chính thức của BIDGROUP”, ông Dũng nói.
Để thông tin được khách quan đa chiều phóng viên đã tới trụ sở của BIDGROUP để liên hệ đặt lịch làm việc, tuy nhiên tiếp phóng viên chỉ là một nam nhân viên bảo vệ, người này sau đó có gọi điện thoại lên cho nhân viên văn phòng và thông báo lại việc lãnh đạo đi vắng nhưng cũng không có phản hồi lại về việc sắp xếp lịch làm việc cung cấp thông tin.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả!