Trong một tuyên bố chính thức, ngày 5/7, Ai Cập đã thông qua một đạo luật cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản nhà ở tại quốc gia Bắc Phi này, mà không phải chịu bất kỳ một hạn chế nào.
Một góc thủ đô Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo quy định mới, người nước ngoài khi mua bất động sản nhà ở tại Ai Cập phải thanh toán bằng ngoại tệ và chuyển khoản qua ngân hàng 100% vốn nhà nước.
Trước đó, vào cuối tháng Năm, Thủ tướng Ai Cập, ông Mostafa Madbouly, cũng thông báo rằng người nước ngoài sẽ được phép sở hữu tài sản ở Ai Cập mà không có bất kỳ một hạn chế nào. Theo quy định cũ, người nước ngoài chỉ được phép sở hữu không quá hai bất động sản tại Ai Cập và bắt buộc phải ở hai thành phố khác nhau.
Luật mới này nằm trong một loạt biện pháp mà Ai Cập đã triển khai nhằm đảm bảo có thêm ngoại tệ và thu hút đầu tư nước ngoài.
Vào giữa tháng Năm, Hội đồng Đầu tư Tối cao vừa được cơ cấu lại cũng đã thông qua 22 quyết định nhằm thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư tư nhân vào Ai Cập. Hội đồng này đang tìm cách tăng đầu tư của khu vực tư nhân bằng hoặc nhiều hơn đầu tư của chính phủ. Chính phủ Ai Cập đang đặt mục tiêu là sau ba năm, khu vực tư nhân sẽ chiếm 60-65% tổng đầu tư của toàn bộ nền kinh tế.
Cơ quan quản lý cộng đồng đô thị mới (NUCA) đã áp dụng một loạt ưu đãi đối với các dự án đầu tư tại các thành phố mới, đặc biệt là liên quan đến việc sử dụng đất.
Ai Cập cũng đã đưa ra sáng kiến miễn thuế nhập khẩu ô tô nhằm thu hút ngoại tệ từ các kiều dân vào tháng 10 năm ngoái, với mục tiêu tiết kiệm chi tiêu khoảng 2,5 tỷ USD.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Ai Cập, dẫn đến việc khoảng 25 tỷ USD tiền đầu tư nước ngoài đã bị rút khỏi nước này và gây ra sự thiếu hụt đáng kể về ngoại tệ mạnh, chủ yếu là USD.
Để tiếp sức cho nền kinh tế, Ai Cập có kế hoạch huy động ngoại tệ thông qua việc bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước, với các quỹ đầu tư quốc gia ở vùng Vịnh được coi là các nhà đầu tư tiềm năng./.