• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
23 Tháng Mười Một 2024 5:53:14 SA - Mở cửa
Cơ hội cho Golden Gate, D1-Concepts khi Nova F&B đổi chủ
Nguồn tin: Tạp chí Nhà quản trị | 15/08/2023 8:40:00 CH
Với việc Nova F&B được chuyển giao vận hành cho IN Hospitality - chủ sở hữu GEM Center và White Palace, các doanh nghiệp khác cùng ngành ẩm thực có thể tận dụng cơ hội này nhằm mở rộng quy mô và có được thị phần.
 
Ở giai đoạn cực thịnh, Nova F&B từng được kỳ vọng trở thành một trong những mũi nhọn tạo ra nguồn doanh thu ổn định cho NovaGroup, nhất là sau khi tập đoàn này bước vào giai đoạn tái cấu trúc sau đại dịch Covid-19.
 
Với 46 cửa hàng thuộc 18 thương hiệu nổi danh như: Marina Club, The Dome Dining & Drinks, Dynasty House, Phindeli, Mojo Boutique Coffee, Carpaccio, Shri Restaurant & Lounge, Tib...Nova F&B hoàn toàn có cơ sở để trở thành một "thế lực mới" trên thị trường ẩm thực tại Việt Nam.
 
Ước tính doanh thu của riêng công ty mẹ Nova F&B (chưa bao gồm đầy đủ các thương hiệu) đạt gần 17 tỷ đồng năm 2019, và tăng lên hơn 8 lần chỉ sau 1 năm (xấp xỉ 140 tỷ đồng trong năm 2020), rồi vượt ngưỡng 200 tỷ đồng vào năm 2021 bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
 
Với quy mô tăng trưởng nhanh và hiệu quả kinh doanh đáng ngưỡng mộ, Nova F&B dự kiến mở thêm gần 200 nhà hàng và quán cà phê, nhằm gia tăng thị phần trong lĩnh vực ẩm thực.
 
Tuy nhiên, khi mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản gặp khó khăn, NovaGroup đã buộc phải chuyển giao Nova F&B cho một doanh nghiệp Singapore, thông qua sự thu xếp của VinaCapital.
 
Sau khi đổi chủ, Nova F&B được đổi tên thành In Dining. Phía đối tác Singapore sau đó đã thuê IN Hospitality quản lý và vận hành Nova F&B. IN Hospitality được biết đến là đơn vị sở hữu trung tâm hội nghị, tiệc cưới GEM Center và White Palace tại TP. HCM.
 
Thương vụ chuyển giao này in đậm dấu ấn của VinaCapital, khi tập đoàn này cũng là cổ đông của của IN Holdings từ 4 năm nay. IN Holdings là công ty mẹ của IN Hospitality.
 
Sau khi thay "áo mới", vốn điều lệ của Nova F&B đã tăng mạnh từ mức 180 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng vào trung tuần tháng 4/2023.
 
 
Danh mục các thương hiệu ẩm thực trực thuộc Nova F&B trước đây
 
Bà Nguyễn Thanh Hà Ngọc - CEO IN Holdings cho rằng, ngành F&B có tính cạnh tranh cao, do ngày một nhiều thương hiệu ẩm thực thế giới tham gia vào thị trường Việt Nam. 
 
Theo bà Ngọc, cơ hội với In Dining (trước đây là Nova F&B) là doanh nghiệp có chiến lược phát triển theo chuỗi, được đầu tư bài bản, so với các nhà hàng, chuỗi nhà hàng kinh doanh đơn lẻ, tự phát.
 
"Thiếu hụt nhân sự chuyên môn có kinh nghiệm trong ngành F&B và áp dụng số hóa cho các tất cả các khâu vận hành cũng là một số vấn đề mà các nhà vận hành cần lưu ý", CEO IN Holdings nhấn mạnh trong một lần trả lời truyền thông.
 
Đồng quan điểm, ông Andy Ho - Giám đốc đầu tư của VinaCapital cho rằng, lợi thế cạnh tranh của In Dining là hướng tới khách hàng ở phân khúc cao và fine-dining. Ông Andy Ho tin rằng, doanh nghiệp này sẽ sớm phát huy lợi thế, cũng như cho thấy hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua việc mở rộng quy mô trong 24 tháng tới.
 
Tất nhiên, kế hoạch mở rộng In Dining là không hề đơn giản. Theo đánh giá từ một chuyên gia lâu năm trong ngành ẩm thực, dù thương vụ chuyển giao Nova F&B diễn ra thuận lợi, nhưng vẫn cần nhiều thời gian để các thương hiệu thuộc hệ thống này điều chỉnh, cũng như thích nghi khi về tay chủ mới.
 
"Kinh doanh ẩm thực là một ngành nghề có tính đặc thù. Chỉ riêng việc thay đổi một quy trình cũng tiêu tốn của thương hiệu nhiều nguồn lực, thời gian, tiền bạc, chưa kể đây còn là một sự chuyển giao về chủ sở hữu, đơn vị vận hành", vị chuyên gia nói.
 
Vị chuyên gia cho rằng, thời gian thực tế để In Dining ổn định kinh doanh, cũng như mở rộng quy mô có thể kéo dài lâu hơn dự kiến. Do đó, đây có thể xem là cơ hội để các doanh nghiệp khác cùng ngành vươn lên có được thị phần, trước khi In Dining lấy lại được vị thế trước đây.
 
Sau khi trải qua 2 năm đại dịch, thị trường F&B đã có rất nhiều biến động. Đặc biệt hậu thời kỳ giãn cách, nhu cầu về ngành này đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự phục hồi của nhu cầu nội địa và sự quay lại của khách du lịch quốc tế.
 
 
Đơn vị vận hành In Dining (trước đây là Nova F&B) là chủ sở hữu Gem Center
 
Theo báo cáo "Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022" thực hiện bởi iPos.vn, nước ta hiện có gần 338.600 nhà hàng và quán cà phê. TP. HCM là tỉnh thành sở hữu nhiều hàng quán nhất, chiếm 39,78% số lượng trên toàn quốc, gấp gần 3 lần so với Hà Nội.
 
Trước đó, vào quý 4/2022, báo cáo ghi sự chững lại của ngành F&B so với cùng kỳ nhiều năm trước. Do đó, năm 2023 được dự báo có thể trở thành cuộc chiến dành thị phần giữa các chuỗi ẩm thực lớn tại Việt Nam.
 
Với bối cảnh hiện tại, tập đoàn Golden Gate được xem là doanh nghiệp dẫn dắt cuộc chơi ngành ẩm thực. Năm ngoái, Golden Gate đã ghi nhận doanh thu và lợi nhuận kỷ lục. 
 
Cụ thể, tập đoàn này đạt doanh thu 6.965 tỷ đồng gấp hơn 2 lần so với năm 2021. Lợi nhuận gộp về bán hàng của cũng tăng lên mức 4.314 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 58% tăng lên 62%.
 
Hiện tại, Golden Gate sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng hơn 450 nhà hàng ở hơn 45 tỉnh thành, với nhiều thương hiệu đã nổi danh như: Kichi Kichi, Manwah, Gogi House, Sumo BBQ... 
 
Gần đây nhất, Golden Gate đã bổ sung ngành nghề kinh doanh cửa hàng tiện lợi, đồng thời âm thầm tiến vào mảng đồ ăn giao hàng với thương hiệu GDeli.
 
Ở khu vực phía nam, D1-Concepts đang trở thành một tên tuổi gây được sự chú ý, khi vận hành các thương hiệu như: Sorae Sushi Sake Grill, San Fu Lou, Dì Mai, SENS - Dine & Wine và cà phê CAFEDA, với quy mô gần 30 cửa hàng trên toàn quốc.
 
Với lĩnh vực kinh doanh chuỗi cà phê, các thương hiệu lớn như Highlands Coffee, The Coffee House vẫn bền bỉ mở rộng quy mô, tuy nhiên cạnh tranh ngày một tăng đến từ các thương hiệu mới, đang tạo nên tiếng vang như Phê La, Katinat...
 
 
Cửa hàng The Coffee House bán cả đồ ăn fusion cao cấp
 
Chẳng hạn, vào đầu năm nay, The Coffee House đã đặt một chân vào lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, khi chính thức khởi động lại mô hình SIGNATURE by The Coffee House tại Quận 7, TP. HCM.
 
"Chúng tôi nhận ra khách hàng cũng đang lớn lên cùng mình. Những đòi hỏi, yêu cầu về sản phẩm và trải nghiệm cũng ngày một cao hơn. Quá trình lắng nghe, cải thiện giúp chúng tôi tin rằng buổi hẹn cà phê giờ đây cần 3 yếu tố: Cà phê hợp gu - Món ăn ngon và đa bản sắc - Không gian cảm hứng", ông Ngô Nguyên Kha - CEO The Coffee House nói.
 
Thay vì chỉ có cà phê, chuỗi này còn bán cả đồ ăn cao cấp theo xu hướng fusion, kết hợp những món Việt với phong cách Âu, hoặc những món Âu được pha trộn theo hương vị phù hợp với khẩu vị Việt.
 
"Đây là nhu cầu thực tế của nhóm khách hàng trung lưu, những người sẵn sàng chi trả cho các bữa ăn ngon, chất lượng và trải nghiệm tại chỗ", ông Kha chia sẻ.
 
Trước đó, chuỗi The Coffee House dần trở lại đường đua trong năm 2022 khi lấy lại đà tăng trưởng về quy mô và liên tục thử nghiệm các mô hình, sản phẩm mới.
 
Ngoài sản phẩm, và quy mô chuỗi, chi phí mặt bằng được xem là một trong những yếu tố quan trọng chi phối sự cạnh tranh trong ngành ẩm thực Việt Nam. Hiện chi phí mặt bằng chiếm khoảng 18% doanh thu của một chuỗi.
 
So với giai đoạn trước đại dịch Covid-19, giá thuê mặt bằng có phần hạ nhiệt, nhưng chung quy lại không hề rẻ, thậm chí một số nơi vẫn còn đắt. Đại diện Starbucks từng chia sẻ trường hợp chủ nhà chỉ chấp nhận giảm 20% giá thuê, sau khi công ty gửi liên tục 8 lá thư xin hỗ trợ.