Nhập khẩu ồ ạt khí đốt hóa lỏng vào Pháp, chủ yếu từ Mỹ, đã kích thích hoạt động tại kho cảng Fos Cavaou. Nhập khẩu vào Pháp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho châu Âu, đồng thời tạo ra giải pháp bền vững hơn cho tương lai.
Tàu chở LNG tên Lalla Fatma N'Soumer đã rời khỏi Algeria và tiến đến bờ biển Pháp, cùng với hai tàu kéo. Nhiệm vụ của tàu là đưa 130.000 m3 LNG vào kho cảng Fos Cavaou.
Kho cảng Fos Cavaou: Một điểm quan trọng để cung cấp và bốc dỡ LNG
Sau một năm 2022 đầy sóng gió, Pháp vẫn cần đến địa điểm này để tích trữ khí đốt trước mùa đông. Đây là một kho cảng do Elengy - một công ty con của Engie với 400 nhân viên, điều hành.
Theo giám đốc kho cảng Arnaud Catoire, trong chiếc tàu chở LNG dài 250 m kia, với bốn bể chứa hình cầu, có đủ khí đốt để đáp ứng “nhu cầu tiêu thụ hàng năm của một thành phố như Montpellier”.
Đằng sau kho cảng là một mê cung đường ống chạy trong khu công nghiệp rộng bằng năm sân vận động ở Pháp, nối vào những lò luyện thép của ArcelorMittal, cách thành phố Marseille 50 km.
Dỡ hàng vào mùa hè năm 2023: Sử dụng công nghệ kỹ thuật số để quản lý và vận hành hiệu quả
Vào thời điểm bốc hàng từ tàu chở LNG, tức vào đầu mùa hè năm 2023, địa điểm chỉ có 5 người làm, tạo ra cảm giác gần như bị bỏ hoang. Phần lớn công việc đã được số hóa tại kho cảng LNG này. Bên cạnh Fos Cavaou, 4 kho cảng khác của Pháp – lần lượt đi vào hoạt động trong giai đoạn năm 1972 - năm 2017, đã có tần suất hoạt động phi thường vào năm 2022, thời điểm mà cả châu Âu đổ xô chuyển sang sử dụng LNG để đối phó với tình trạng cạn kiệt khí đốt từ các đường ống dẫn nối từ Nga đến lục địa già này.
Pháp gia tăng nhập khẩu LNG - Vai trò quan trọng của LNG trong việc cung cấp năng lượng
Vào năm 2022, lượng LNG nhập khẩu vào Pháp đã tăng hơn gấp đôi, biến nước này thành cửa chính cho LNG đi vào châu Âu. Từ đó, Pháp trở thành nước xuất khẩu LNG hàng đầu cho châu Âu.
Theo bà Nelly Nicoli - tổng giám đốc của Elengy, các kho cảng nhập khẩu "tương đương 70% lượng khí đốt tiêu thụ tại Pháp vào năm 2022". Hiện Elengy là công ty vận hành các kho cảng Fos Cavaou, Fos Tonkin và Montoir-de-Bretagne.
Cơ sở thứ tư, ở Dunkirk, nằm dưới sự điều hành của tập đoàn Fluxys (Bỉ). Vào năm 2022, tỷ lệ sử dụng kho cảng của Elengy đã đạt đỉnh 95%, so với tỷ lệ 60% của giai đoạn tiền khủng hoảng năng lượng.
Nỗ lực duy trì nguồn cung LNG cho mùa đông bất chấp những thách thức của cuộc khủng hoảng năng lượng
Một năm sau, hoạt động tại Fos đã giảm đi phần nào. Tuy vậy, mức hoạt động trước mùa hè vẫn khá cao, với tỷ lệ sử dụng là 85%. Pháp muốn nhanh chóng hoàn thành công tác lấp đầy kho dự trữ cho mùa đông trong bối cảnh châu Âu vẫn không có khí đốt từ đường ống dẫn của Nga.
Theo ông Christophe Thil - giám đốc chiến lược của Elengy, việc sử dụng các bến cảng nhập khẩu nên được "duy trì" cho đến cuối năm "để đạt được điều đó".
Theo một báo cáo của Ủy ban Điều tiết Năng lượng, vào năm 2022, Pháp đã nhận được phần lớn trong số 400 lô hàng LNG từ Mỹ. Họ cũng nhận được LNG từ nguồn cung tư nhân từ Nga và Algeria. Theo ông Thierry Labrousse - phó giám đốc kho cảng, trước khi vận chuyển đến Fos, khí đốt sẽ được làm lạnh xuống ở nhiệt độ -162°C, giúp đơn giản hóa công tác vận chuyển vì ở thể lỏng, khí đốt chỉ chiếm 1/600 thể tích so với ở thể khí. Sau khi cập cảng, tàu chở LNG được kết nối vào kho cảng LNG để trích xuất khí lỏng, sau đó đem đi lưu trữ trong những bồn chứa khổng lồ. Sau đó, LNG được hóa trở lại thành dạng khí thông qua kỹ thuật “dòng chảy mặt”. Bằng cách xả nước biển ở nhiệt độ 15°C, nhiệt độ của các ống nhỏ chứa khí lỏng ở -162°C tăng lên, đưa LNG trở lại thành khí. Sau khi đã tạo mùi, khí đốt được đưa vào mạng lưới.
Vấn đề môi trường của hoạt động tái hóa khí LNG và nỗ lực hướng đến các giải pháp thay thế bền vững
Từ vài năm nay, cảng Fos Cavaou đã đề nghị nạp LNG trực tiếp vào xe bồn đi đến các trạm xăng. Bà Nicoli cũng giải thích rằng LNG sẽ giúp khử carbon từ hoạt động di chuyển trên bộ và trên biển. Trong quá trình đốt cháy, LNG thải ra ít khí nhà kính hơn so với dầu nhiên liệu và dầu mỏ. Tuy nhiên, các nhóm môi trường đã chỉ trích LNG vì vết chân carbon mà LNG để lại từ vấn đề rò rỉ khí metan ở thượng nguồn. Trong khi đó, khí metan tạo ra nhiều nhiệt hơn so với khí CO2.
Theo bà Nicoli, công ty Elengy đang nghiên cứu cách chuyển đổi sang sản xuất LNG sinh học từ chất thải. Bà khẳng định: “Ý tưởng không chỉ dừng ở việc tiếp tục duy trì nguồn cung bằng năng lượng hóa thạch thuần túy”.
Trong tương lai, địa điểm này có thể thu giữ CO2 từ các hoạt động công nghiệp tại Etang de Berre, hay sản xuất khí metan tổng hợp và amoniac lỏng. Đây là những sản phẩm có nguồn gốc từ hydro và được xem là tương lai cho ngành năng lượng và khí hậu.