Séc đang đối mặt với bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử hiện đại khi nước này đã cạn kiệt các động lực tăng trưởng, đánh mất lợi thế cạnh tranh.
Theo mạng tin Euractiv.cz (Séc) ngày 21/8, một nghiên cứu mới cho thấy Séc đang đối mặt với bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử hiện đại khi nước này đã cạn kiệt các động lực tăng trưởng, đánh mất lợi thế cạnh tranh và rơi vào cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình”.
Nghiên cứu về khả năng cạnh tranh của Séc được thực hiện bởi Phòng Thương mại nước này, theo đó nước này có thể phải đối mặt với sự đình trệ kinh tế dài hạn và sự chậm lại trong tăng trưởng tiền lương và mức sống. Nghiên cứu cũng cho thấy sự bắt kịp với trình độ của các nước châu Âu phát triển hơn sẽ phức tạp hơn do cấu trúc hiện tại của nền kinh tế.
“Nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển và đạt trình độ của các nước phương Tây thì sẽ phải thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tức là hướng tới nền sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn”, Chủ tịch Phòng Thương mại Séc Zdeněk Zajíček cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề của nền kinh tế CH Séc hiện nay là nó chỉ tạo ra giá trị gia tăng thấp.
So với các nước EU khác, Séc tạo ra giá trị gia tăng nằm trong những nước thấp nhất EU, với nước này xếp thứ 24/27 quốc gia. Nền kinh tế Séc chưa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, chưa chuyển dịch sang nền sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Do đó, Phòng Thương mại Séc đang kêu gọi thúc đẩy đầu tư và đổi mới. “Nhà nước phải đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi xu hướng này. Ngoài các khoản đầu tư chiến lược vào năng lượng, giao thông, dữ liệu và cơ sở hạ tầng khác, đầu tư vào khoa học, nghiên cứu và giáo dục đóng một vai trò quan trọng. Nhà nước cũng phải thúc đẩy các công ty thực hiện các hoạt động đổi mới”, Chủ tịch Zajíček chỉ ra.
Mặc dù chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của các công ty Séc tính theo tỷ lệ phần trăm GDP đạt mức cao nhất vào năm 2021, ở mức 1,25% GDP, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của EU là gần 1,5%.