Theo VCBS, sản lượng khai thác dầu thô trong nước liên tục giảm với tốc độ 7% mỗi năm và hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu, phục vụ nhu cầu trong nước.
Sản lượng khai thác dầu thô liên tục giảm
Công ty Chứng khoán VCBS cho biết, trong 7 tháng đầu năm, sản lượng khai thác dầu của PVN đạt 6,20 triệu tấn, vượt 14,7% kế hoạch 7 tháng và bằng 66,8% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng khai thác dầu trong nước đạt 5,15 triệu tấn, vượt 17,4% kế hoạch 7 tháng, bằng 68,5% kế hoạch năm; khai thác dầu thô ở nước ngoài đạt 1,05 triệu tấn, vượt 3,1% kế hoạch 7 tháng, bằng 59,6% kế hoạch năm. Tuy nhiên, trong trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam vẫn phải xuất đi 1,4 triệu tấn nhưng lại nhập về 5,8 triệu tấn dầu thô để lọc.
Theo VCBS, sản lượng khai thác dầu thô trong nước liên tục giảm với tốc độ 7% mỗi năm. Khai thác dầu thô ngày càng khó khăn hơn trước do việc gia tăng trữ lượng (hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại các bể/mỏ mới để bù vào sản lượng khai thác hàng năm) giảm đáng kể.
Trong khi đó, nguồn cung nội địa từ hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng xăng, dầu trong nước mỗi năm. Hai nhà máy này cung ứng mỗi năm 10 - 13 triệu m3, tấn xăng, dầu thành phẩm các loại, trong đó, tỷ trọng cung ứng của Nghi Sơn khoảng 35%, có thời điểm lên tới 40%. 30% lượng xăng dầu tiêu thụ còn lại đến từ nhập khẩu, chủ yếu từ Hàn Quốc và Singapore.
VCBS cho rằng, năm 2023, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải gia tăng nhập khẩu và mua từ hai nhà máy lọc dầu trong nước tăng 10 - 15% so với năm 2022 để đề phòng cho những rủi ro gián đoạn nguồn cung đã từng xảy ra ở năm 2022. Sản lượng này sẽ được phân bổ từng quý. Đồng thời, doanh nghiệp phải lên phương án nhập mua hàng bù đắp khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tiến hành bảo dưỡng, bảo trì.
“Khả năng sản xuất trong nước dự báo giảm xuống chỉ còn 40% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045. PVN ước tính, trong nước sẽ thiếu hụt 19,5 triệu tấn vào năm 2030, khoảng 25 triệu tấn vào năm 2035 và lên tới 49 triệu tấn vào năm 2045. Tuy nhiên, năng lực sản xuất các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ. Hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu, phục vụ nhu cầu trong nước”, VCBS cho biết.
Nhu cầu tiêu thụ còn rất lớn trong dài hạn
Nhận định về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam, VCBS cho rằng, nhu cầu tiêu thụ còn rất lớn trong dài hạn. Đồng thời, công ty chứng khoán này cũng khẳng định, thị trường phân phối xăng dầu Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Theo dữ liệu doanh số bán hàng của khu vực ASEAN của Hiệp hội Ô tô Malaysia (MAA) vào năm 2021, Việt Nam đứng top 3 về doanh số bán ô tô tại Đông Nam Á, tuy nhiên tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam hiện đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 6 trong khu vực.
Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu của Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh trong 10 năm tới sẽ là yếu tố thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu đối với tất cả các loại hàng hóa cao cấp như xe ô tô.
Ngoài ra, xu hướng chuyển đổi phương tiện giao thông cũng sẽ giúp gia tăng tiêu thụ xăng dầu. Việc chuyển dịch xu hướng từ xe máy sang ô tô sẽ kích thích tiêu thụ xăng nhiều hơn. Tính đến tháng 3/2023, Việt Nam có ít nhất 72 triệu xe máy và hơn 5 triệu ô tô đang tiêu thụ khoảng 60% sản phẩm xăng dầu. Đây là động lực chính cho tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu.
Mặc dù vậy, chuyên gia của VCBS cũng chỉ ra một số rủi ro mà ngành xăng dầu Việt Nam có thể sẽ phải đối diện trong thời gian tới như: Thứ nhất, nguồn cung xăng dầu trong nước có nguy cơ bị gián đoạn khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) không tái cấu trúc tài chính thành công.
Theo VCBS, NSRP đang phải đối mặt với rủi ro dừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền và không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính. NSRP sẽ phải trả 375 triệu USD vào tháng 5 và 277 triệu USD vào tháng 11 năm nay, trong khi, phải có đủ dòng tiền để tiếp tục vận hành nhà máy. NSRP và các ngân hàng đang đàm phán về kế hoạch tái cơ cấu nợ bằng việc đề xuất kéo dài thời hạn thanh toán khoản vay 2 tỷ USD trong 3,5 năm để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Thứ hai, rủi ro chuyển dịch từ ô tô chạy bằng xăng, dầu sang xe điện khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm. Xu hướng sử dụng xe điện ngày càng nở rộ tại nhiều quốc gia đang tác động không nhỏ vào nhu cầu tiêu thụ xăng dầu. Việc phát triển ô tô điện sẽ giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí nhập khẩu xăng dầu và chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, giá pin đã giảm 20% trong thập kỷ qua, điều này sẽ tạo ra thị trường mới rộng lớn cho sự phát triển của xe điện.
Thứ ba, rủi ro buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu. Xăng dầu hiện là mặt hàng nhập khẩu chịu nhiều loại thuế nhất như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng… Không những vậy, sắc thuế sau lại được tính trên cơ sở thuế suất nhân với tổng của giá xăng dầu cộng với các sắc thuế trước.
Bên cạnh đó, mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Kết quả là tỷ lệ thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện chiếm trên 32%. Tỷ lệ này khá hấp dẫn cho các hoạt động nhập khẩu lậu vào Việt Nam để trốn thuế, pha chế xăng dầu giả kém chất lượng.
“Giá xăng dầu của Việt Nam còn được điều chỉnh bởi quỹ bình ổn giá và đang ở mức thấp hơn các nước trong khu vực. Điều này sẽ kích thích các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài vào nội địa” VCBS đánh giá.