Nếu vấn đề lãi suất vốn vay không được giải quyết thì một số dự án PPP có thể dừng cho dù đó là công trình trọng điểm quốc gia.
Nguồn vốn đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) được coi là tiềm năng, tiềm lực cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, dù đã có Luật PPP nhưng việc thu hút các dự án giao thông theo hình thức này vẫn chưa nhiều khả quan. Nhiều vướng mắc vẫn chưa được giải quyết khiến nhiều dự án vẫn thi công cầm chừng, thậm chí thua lỗ.
Thi công được hơn 71% trong tổng số gần 3.800 tỷ đồng giá trị hợp đồng PPP, nhưng dự án đường ven biển với chiều dài gần 30 km nối từ Hải Phòng đến Thái Bình đang phải dừng thi công. Nhà đầu tư dự án cho biết, theo quy định của Bộ Tài chính, lãi suất vốn vay của dự án không quá 1,5 lần mức bình quân của lãi suất trái phiếu Chính phủ, nhưng thực tế đang cao hơn rất nhiều.
Theo nhà đầu tư, nếu tiếp tục thực hiện dự án sẽ phải bù lỗ hơn 1.600 tỷ đồng. Vì thế, nếu vấn đề lãi suất vốn vay không được giải quyết thì khả năng dừng dự án là rất lớn cho dù đây là công trình trọng điểm quốc gia.
Chỉ tính từ 2021 - 2025 cả nước cần tới hơn 462.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông, nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng đủ.
Ngân sách mới đáp ứng được 66% và cần nguồn vốn từ tư nhân cho giao thông. Do đó, việc tạo lòng tin, chia sẻ khó khăn và hài hòa lợi ích giữa người dân - nhà nước - doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để thu hút nguồn vốn này vào các dự án giao thông trong thời gian tới.
Từ khi ban hành Luật PPP tức là đối tác công tư, ngành giao thông vẫn chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, nhiều dự án đã phải chuyển từ hình thức hợp tác công tư sang đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân có vốn lại chưa mặn mà tham gia đầu tư.
Theo VTV