• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
22 Tháng Mười Một 2024 1:54:18 SA - Mở cửa
"Vận hội mới" của cơ khí chế tạo dầu khí
Nguồn tin: PetroTimes | 31/08/2023 7:15:00 SA
Trải qua một quá trình hình thành và phát triển, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi không ngừng, những người thợ dầu khí đã tự chế tạo, lắp đặt, vận hành các giàn khoan thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Đến nay, những sản phẩm cơ khí chế tạo không chỉ được xuất khẩu ra thế giới, góp phần mang lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, mà còn đánh đấu bước chuyển mình quan trọng của ngành Dầu khí sang giai đoạn phát triển mới.
 
Chinh phục thị trường trong nước và quốc tế
 
Thành công của Dự án Biển Đông 01, kỳ tích của ngành Dầu khí Việt Nam là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh nội lực của ngành Dầu khí nói chung và ngành cơ khí chế tạo nói riêng. Giàn xử lý trung tâm Dự án Biển Đông 01 là một trong những công trình để đời của Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), là mốc son trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị.
 
Biển Đông 01 được coi là dự án phức tạp nhất của ngành Dầu khí tại thời điểm bấy giờ (năm 2012) về mọi mặt: Tiến độ, công nghệ và quy mô, bao gồm 1 giàn xử lý trung tâm 12.000 tấn, 1 khối chân đế cọc 17.000 tấn, tổng trọng lượng các công trình khác (WHP-HT1 và WHP-MT1) lên đến 20.500 tấn cùng hệ thống đường ống và cáp ngầm. Toàn bộ thiết kế chi tiết, mua sắm và thi công chế tạo trên bờ được PTSC thực hiện trong vòng 30 tháng. Đây là một kỷ lục mà không nhiều nhà thầu trên thế giới có thể thực hiện được.
 
 
Dự án Biển Đông 01.
 
Từ Dự án Biển Đông 01, PTSC đã nắm chắc các công nghệ thiết kế, thi công, hạ thủy, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng và đã tiếp tục hoàn thiện và nghiên cứu ứng dụng cụm công trình khoa học công nghệ vào các dự án tiếp theo, sử dụng đường trượt sẵn có để thi công không chỉ cho các khối thượng tầng giàn CPP mà cả các giàn nổi gồm: các giàn chân căng (Tension Leg Platform - TLP), giàn bán chìm (Semi-submersible), MOPU (Mobile Offshore Production Unit). PTSC được mời tham gia rất nhiều các gói thầu quốc tế trong khu vực, đấu và trúng thầu nhiều dự án nước ngoài, tạo được những thành công vang dội ở các dự án siêu trường siêu trọng có quy mô và mức độ phức tạp cao.
 
Năm 2014, khối thượng tầng Giàn công nghệ HRD có tổng khối lượng gần 11.000 tấn với các tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật, công nghệ đã được Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) chế tạo thành công trong thời gian 17 tháng, vượt tiến độ, an toàn tuyệt đối và được chủ đầu tư ONGC (Ấn Độ), các đối tác, nhà thầu giám sát đều đánh giá cao về chất lượng của dự án. Đây là dự án chế tạo, đóng mới giàn công nghệ đầu tiên và lớn nhất do một công ty của Việt Nam thực hiện cho khách hàng nước ngoài thông qua thắng thầu quốc tế với nhiều đối thủ cạnh tranh đến từ khắp nơi trong khu vực Ấn Độ và Trung Đông.
 
 
Khối thượng tầng Giàn công nghệ HRD tại bãi chế tạo của PTSC M&C.
 
Tiếp theo dự án HRD, PTSC M&C đã liên tục được các khách hàng, chủ đầu tư mời tham gia đấu thầu các hợp đồng EPC/EPCI tại nước ngoài và thành công liên tiếp tại các dự án như Maharaja Lela South Project (MLS, Total Borneo BV, Brunei), Ghana FPSO (ENI, 7Ghana), Malikai Project (Dockwise, Shell), Daman Development Phase 1&2 (Ấn Độ), Sư Tử Trắng FFD Phase 1, Greater Enfield Subsea (Úc), KG-DWN 98/2 LQ Jacket (Sapura - Ấn Độ), Column Pre-dressing (Linde - Singapore)… Bên cạnh đó, điểm sáng trong những năm trở lại đây của PTSC/PTSC M&C có thể kể đến là Dự án Gallaf giai đoạn 1 (mỏ dầu Al Shaheen) tại Qatar với tổng giá trị trên 320 triệu USD.
 
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, PTSC M&C đã thực hiện thành công công tác thiết kế, mua sắm, chế tạo tại Việt Nam và vận chuyển, lắp đặt, chạy thử 3 giàn khai thác cho dự án với hơn 800 người lao động Việt Nam làm việc tại Qatar. Với những thành tích ấn tượng về chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, PTSC M&C tiếp tục được Chủ đầu tư North Oil Company tin tưởng trao thầu thực hiện Dự án Gallaf giai đoạn 3 với khối lượng trên 19.000 tấn trong năm 2022.
 
Là một trong số những đơn vị trụ cột của PTSC, qua hàng loạt những dự án thắng thầu trong nước và quốc tế được thực hiện thành công, PTSC M&C nổi bật lên bởi uy tín và chất lượng dịch vụ ngày một nâng tầm. Các chủ đầu tư trong nước do đó cũng đã và đang chọn lựa PTSC M&C là tổng thầu EPCI duy nhất tại Việt Nam có thể thực hiện được các dự án đòi hỏi công nghệ cao, thay vì giao cho các nhà thầu nước ngoài thực hiện ở nước ngoài và xuất khẩu ngược lại Việt Nam.
 
Điển hình là dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt. Công trình chế tạo giàn xử lý trung tâm Sao Vàng là một phần của Dự án Phát triển mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt, do Công ty Idemitsu Kosan là chủ đầu tư, thuộc Lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn, là tiền đề cho sự phát triển của Chuỗi dự án Nam Côn Sơn 2. Các công tác thiết kế, mua sắm, thi công, chế tạo các giàn công nghệ trung tâm, giàn khai thác, đường ống, lắp đặt chạy thử ngoài khơi đều do PTSC M&C thực hiện.
 
Giàn Sao Vàng CPP với kích cỡ lớn hơn Dự án Biển Đông 01, đã trở thành giàn công nghệ trung tâm lớn nhất được chế tạo tại Việt Nam, cũng là niềm tự hào tiếp theo của ngành cơ khí chế tạo dầu khí, do người Việt Nam chế tạo, lắp đặt. Có thể thấy, năng lực EPCI của PTSC M&C chính là một yếu tố then chốt để giữ các dự án dầu khí ở lại trong nước, thay vì phải giao cho các nhà thầu nước ngoài thực hiện rồi nhập khẩu ngược lại Việt Nam.
 
Chinh phục thách thức trong giai đoạn chuyển dịch năng lượng toàn cầu
 
Với hệ thống hạ tầng được trang bị đầy đủ, đồng bộ để thực hiện chế tạo các cấu kiện lớn cho các dự án dầu khí, PTSC đã tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực mới, năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK). Cuối năm 2021, PTSC đã bổ sung năng lượng tái tạo (NLTT) vào ngành nghề kinh doanh chính, đánh đấu bước chuyển mình quan trọng sang một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới.
 
Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, PTSC đã gặt hái được những thành công nhất định khi thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ khảo sát cho Dự án Điện gió ngoài khơi (ĐGNK) Thăng Long - dự án duy nhất được cấp phép khảo sát cho đến nay tại Việt Nam; đấu và thắng thầu quốc tế cho gói thầu chế tạo 2 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho một dự án ĐGNK 1.044 MW tại Đài Loan (Trung Quốc), hiện đang chế tạo tại Vũng Tàu; gói thầu chế tạo 4 OSS cho dự án ĐGNK tại vùng biển Baltic (châu Âu); có thể sẽ tiếp tục được trao thầu gói thầu chế tạo 1 OSS khác tại Đài Loan.
 
 
PTSC và Ørsted ký Hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế cho Dự án Điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4
 
PTSC và Ørsted ký Hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế cho Dự án ĐGNK Greater Changhua 2b&4.
Trước đó, vào tháng 5/2023, Orsted đã ký hợp đồng với PTSC để sản xuất 33 kết cấu móng trụ turbine cho trang trại ĐGNK Greater Changhua 2b&4 có tổng công suất 920MW tại Đài Loan (Trung Quốc). Hợp đồng trị giá hơn 300 triệu USD. Với việc trúng thầu dự án này, PTSC đã tạo tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế và đánh dấu việc chính thức gia nhập thị trường NLTTNK.
 
Tuy nhiên, đây là dự án đòi hỏi chế tạo các cấu kiện theo dạng sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, năng suất cao (theo từng lô và có đặc tính kỹ thuật cơ bản giống nhau) trong thời gian ngắn, với yêu cầu phải huy động tối đa các nguồn lực, dây chuyền sản xuất, đồng bộ trong các khâu, rất khác biệt với hình thức sản xuất đơn lẻ truyền thống của ngành Dầu khí. Chính vì vậy, đây cũng trở thành một thách thức không nhỏ đối với PTSC nói riêng, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cơ khí chế tạo nói chung khi muốn đặt chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu của thị trường năng lượng tái tạo tiềm năng.
 
Theo nhận định của Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường, trong thời gian sắp tới sẽ có rất nhiều dự án lớn thuộc lĩnh vực NLTTNK được triển khai. Từ kinh nghiệm thực tế của PTSC tại các dự án NLTTNK hiện tại cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu cho lĩnh vực này còn rất mong manh; đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng, hình thành những đơn vị chủ lực, đầu tàu, dẫn dắt các đơn vị khác để trước mắt đáp ứng các nhu cầu trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), xa hơn là tham gia vào các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, để có thể đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra rất nhanh chóng.
 
Điều này cho thấy, vấn đề cấp thiết hiện tại là phải xây dựng, gia tăng các chuỗi liên kết giữa các đơn vị với nhau, nhằm phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực thông qua công tác chia sẻ/ liên kết sử dụng tài sản, máy móc, thiết bị tại chính các đơn vị trong khối hay theo từng chuỗi giá trị các đơn vị. Đây cũng là vấn đề được Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh tại Hội nghị Dịch vụ Dầu khí năm 2023 do Petrovietnam tổ chức vào ngày 25/8 vừa qua.
 
Trước tốc độ chuyển dịch năng lượng hiện nay, đòi hỏi ngành Dầu khí cần phải có những định hướng triển khai cụ thể để thích nghi, đồng thời tận dụng cơ hội gia tăng doanh thu của các đơn vị dịch vụ dầu khí thông qua khai thác năng lực và công nghệ trong một số lĩnh vực có lợi thế, trong đó có dịch vụ cơ khí chế tạo. Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam, nhu cầu dịch vụ cho lĩnh vực E&P sẽ tăng đột biến từ nay đến năm 2030 trước áp lực của xu hướng chuyển dịch năng lượng, Net Zero. Tốc độ đầu tư trong lĩnh vực tái tạo, đặc biệt là ĐGNK đã vượt qua lĩnh vực năng lượng hóa thạch, cũng sẽ tạo nhu cầu lớn cho dịch vụ kỹ thuật trong thời gian tới. Đây là cơ hội lớn và cũng là thách thức không nhỏ đối với PTSC nói riêng, các đơn vị dịch vụ của Petrovietnam nói chung khi muốn tham gia vào thị trường NLTT, buộc phải tuân thủ nguyên tắc quản trị theo các chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
 
 
Ngày 29/8, tại Văn phòng Chính phủ, Liên danh PTSC - Sembcorp đã được trao Giấy phép khảo sát và Ý định thư để triển khai các công tác liên quan đến việc phát triển dự án NLTTNK tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng đại diện lãnh đạo các bộ/ngành hai nước.
 
Là đơn vị đầu tiên được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khảo sát biển cho dự án ĐGNK, PTSC cũng chính là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực dịch vụ năng lượng và công nghiệp của Petrovietnam, mang trên vai trọng trách là đơn vị đi đầu thiết lập hạ tầng để phục vụ cho ngành NLTTNK, nắm bắt cơ hội và lợi thế để trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ NLGNK cho khu vực và thế giới, đồng thời hỗ trợ rất lớn cho việc hiện thực hóa các mục tiêu đầu tư và phát triển các dự án NLTTNK của Petrovietnam trong tương lai./.
 

Cổ phiếu liên quan

Công ty
Giá
Tin tức