Lệnh cấm của Ấn Độ đang được Thái Lan đánh giá thận trọng, phân tích kỹ và các nhà xuất khẩu gạo của nước này có thể trì hoãn các đơn đặt hàng. Động thái mới này cũng là thông tin mà ngành lúa gạo Việt Nam nên quan tâm trước "cơn sốt" của thị trường lúa gạo toàn cầu, qua đó ứng xử theo cách "biết người, biết ta" để nắm bắt thời cơ tốt nhất.
Theo Bộ NN&PTNT, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Động thái từ các ‘đối thủ’ và khách hàng
Theo ước tính của cơ quan liên Bộ, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ.
Cần theo dõi sát diễn biến cung - cầu trên thị trường lúa gạo thế giới để có giải pháp ứng phó.
Theo ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (phi basmati) – được xem là yếu tố dẫn đến giá gạo xuất khẩu các nước tăng mạnh, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành.
Tính đến ngày 1/8/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.
Tại nội địa, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7/2023 (lệnh cấm có hiệu lực).
Dự báo nửa cuối năm, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu do tác động từ lệnh cấm của Ấn Độ, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen bị đổ vỡ, biến đổi khí hậu thay đổi điều kiện gieo trồng… sẽ làm suy giảm nguồn cung và giá lương thực tăng cao.
Do đó, hầu hết các quốc gia đều đang xem xét kỹ các tác động từ bối cảnh thị trường toàn cầu để nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước và bình ổn giá cả lương thực nội địa. Chẳng hạn tại Thái Lan, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, lệnh cấm của Ấn Độ cần được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ do có thể ảnh hưởng đến giá gạo nội địa và có thể khiến các nhà máy xay xát gạo và các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan trì hoãn các đơn đặt hàng gạo để đánh giá tác động.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, Bộ trưởng Jurin Laksanawisit đã chỉ đạo khu vực tư nhân và các tùy viên thương mại Thái Lan tại Ấn Độ điều tra các chi tiết của lệnh cấm, đặc biệt liên quan đến việc miễn trừ gạo Basmati.
Còn tại Campuchia, Bộ Nông Lâm Thủy sản cho biết, giá gạo của các giống IR và OM đang đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Với các nhà nhập khẩu gạo là Philippines, Giám đốc quốc gia của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) nước này cho biết, sau khi lệnh cấm có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Philippines đã chấp nhận giá chào mới từ các doanh nghiệp Việt Nam để có hàng trong tháng 8 khi vụ Hè Thu thu hoạch.
Hay như Indonesia, sau khi hoàn thành triển khai đợt nhập khẩu 2 triệu tấn được thông báo vào tháng 3, dự kiến do tình hình lệnh cấm từ Ấn Độ, có khả năng Indonesia sẽ tiếp tục tiếp cận nguồn cung từ Việt Nam để bổ sung nhập khẩu gạo nhằm kiềm chế lạm phát và tồn kho.
'Biết người, biết ta'
Đại diện Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đối với những lo ngại về ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đối với sản xuất trồng trọt nói chung và lúa gạo nói riêng, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để tự tin khẳng định rằng chúng ta có nhiều giải pháp về bố trí thời vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác cũng như các giải pháp về công trình như hệ thống thủy lợi để hạn chế mức độ ảnh hưởng của El Nino ở mức thấp nhất so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Về tiến độ, tính đến ngày 1/8/2023, cả nước đã thu hoạch 24,2 triệu tấn thóc, gồm vụ Đông Xuân khoảng 20 triệu tấn, vụ Hè Thu khoảng 4,2 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 18-19 triệu tấn thóc được thu hoạch. Từ đó, ông Cường khẳng định: "Có thể có rủi ro, nhưng về cơ bản, với tình hình hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu nội địa và xuất khẩu".
Đại diện lãnh đạo các địa phương đều nhận định, cần tận dụng thời cơ này nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực cho nội địa. Tuy vậy, theo các địa phương, hiện nay, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn, chưa kịp thời, chưa sát với thực tiễn sản xuất, kinh doanh lúa, gạo.
Cụ thể, phần lớn các thương nhân đều đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động. Trong khi giá lúa gạo trong những năm gần đây đầy biến động, thậm chí nguồn cung trong nước tại một số thời điểm bị mất cân đối. Do đó, hạn mức tín dụng thấp làm cho tiến độ thu mua của thương nhân bị ảnh hưởng đáng kể. Tại những thời điểm thu hoạch chính vụ, công tác thu mua lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) cho các thương nhân xuất khẩu gạo.
Chưa kể, giá cả thị trường nội địa trong thời gian qua biến động thất thường, có thời điểm tăng đột biến nên ảnh hưởng đến giá cạnh tranh xuất khẩu, một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp không thu mua đủ nguyên liệu dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả.
Từ đó, các địa phương đề nghị cần có các chính sách hỗ trợ vốn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có xây dựng vùng nguyên liệu, có đầu tư kho chứa, nâng cấp, cải thiện dây chuyền máy móc sản xuất. Đặc biệt, các địa phương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, mở rộng, tăng hạn mức tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của ngành lúa, gạo với thời hạn và lãi suất hợp lý.
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, chia sẻ giá gạo xuất khẩu tăng là điều đáng mừng nhưng lại khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu do giá thu mua lúa trong nông dân tăng lên từng ngày.
Theo bà Huyền, vừa rồi, giá lúa 6.500 đồng/kg nhưng mấy ngày nay tăng lên 7.400 đồng/kg, giá tăng mỗi ngày - “mở mắt ra” là tăng từ 300 đồng, 500 đồng/kg. “Giá lúa lên không có điểm dừng nhưng chúng tôi ký hợp đồng với đối tác trước đó không thể nào xin tăng giá gạo lên, còn mua được lúa bắt buộc phải mua giá cao".
Ngay trong ngày 4/8, Thủ tướng đã ban hành Công điện gửi các Bộ, ngành, địa phương liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam để chỉ đạo giải pháp tăng cường thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Công điện của Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt thông tin thị trường để hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo; tăng cường hơn nữa quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ. Các địa phương theo dõi sát tình hình hoạt động của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, đề xuất giải pháp đối với những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền....
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, đây là thời cơ đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo trong điều kiện cho phép nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, người kinh doanh. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam, tiến tới mở rộng thị trường mới.
Tuy nhiên, ông Diên cảnh báo, hiện một số nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan đều có động thái về cấm xuất khẩu gạo, vì vậy Việt Nam cần thận trọng.
"Khi chúng ta thừa thế xông lên mà người ta dừng lệnh đó thì đội hình đằng sau quay - người đi đầu trở thành người đi sau. Khi chúng ta đã quá đà xuất khẩu cả về sản lượng và giá trị, chất lượng hạt gạo chưa chắc được đảm bảo, thương hiệu gạo chưa được khẳng định, giá lại cao hơn của họ, thì sẽ mất các đơn hàng cụ thể. Liền sau đó là mất thị trường. Và mất trong cuộc này là mất hẳn, có quay trở lại được cũng không phải dễ", ông Diên nêu vấn đề.