Với nhiệm vụ chính là sản xuất - kinh doanh, cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu dân sinh, thời gian qua, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên đã không ngừng đổi mới công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới cấp nước. Qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Vận hành hệ thống xử lý nước sạch tại Nhà máy nước Nam Núi Cốc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Học, Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên, cho biết: Là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực kinh doanh nước sạch trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, Công ty luôn bảo đảm cung cấp gần 16 triệu m3 nước sinh hoạt/năm, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho hơn 85.000 khách hàng trên địa bàn các thành phố: Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên và các thị trấn: Hùng Sơn (Đại Từ), Trại Cau (Đồng Hỷ), Đu (Phú Lương), Đình Cả (Võ Nhai)...
Để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho người dân, đặc biệt là trong mùa Hè và những ngày cao điểm lễ, Tết, Công ty đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cấp nước theo mùa trong toàn hệ thống. Trong đó, đơn vị xây dựng phương án cấp nước chi tiết cho từng khu vực, đảm bảo duy trì nguồn nước ổn định, liên tục; tăng cường kiểm tra chất lượng nước đầu vào, đầu ra, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng 24/24 giờ.
Với phương châm "Tất cả vì khách hàng, nước sạch vì cộng đồng", từ năm 2020 đến nay, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên đã tập trung đầu tư nâng cấp thiết bị, máy móc bảo đảm vận hành các nhà máy sản xuất và mạng lưới cấp nước khoa học, an toàn; kịp thời xử lý sự cố trên hệ thống mạng lưới cấp nước nhằm hạn chế tối đa thời gian ngừng, gián đoạn cấp nước. Công ty cũng duy trì và nâng cao chất lượng tiếp nhận, trao đổi thông tin; kịp thời giải quyết các vướng mắc của khách hàng.
Thời gian qua, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng thực hiện thay thế, cải tạo các tuyến ống chuyển tải chính từ Dn100, Dn200, Dn300 và Dn450 tại khu vực TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công; tổ chức cải tạo, thay thế đường ống thép nhánh đã sử dụng nhiều năm bằng ống nhựa HDPE và kết hợp đầu tư mới một số tuyến ống mạng cấp 3 để phát triển khách hàng mới...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đầu tư 640 tỷ đồng xây dựng Nhà máy nước Nam Núi Cốc, với công suất 50.000m3/ngày, đêm, góp phần bổ sung lưu lượng, áp lực nước cho khách hàng hiện có tại TP. Thái Nguyên và mở rộng năng lực cấp nước tới các vùng lân cận phía Tây thành phố, nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, cán bộ kỹ thuật của Công ty thường xuyên theo dõi, kiểm tra chất lượng nước thô đầu vào; kiểm tra chất lượng nước trên các tuyến ống, mẫu nước thương phẩm; kiểm tra hiện trường các nhà máy, giếng bơm, trạm tăng áp và công tác bảo dưỡng máy móc, thiết bị; định kỳ thực hiện công tác sục rửa mạng lưới đường ống cấp nước phân phối và dịch vụ.
Để đảm bảo cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng, Công ty cũng tăng cường chia sẻ thông tin với khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước sạch và khắc phục kịp thời sự cố nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, trong 8 tháng năm 2023, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên đã phát triển thêm 1.874 hộ khách hàng mới (tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2022); sản lượng nước thương phẩm đạt 10,9 triệu m3 (bằng 65,9% kế hoạch năm và tăng 5,1% so với cùng kỳ); tổng doanh thu nước máy đạt trên 113 tỷ đồng (bằng 65,2% kế hoạch năm và tăng 6,7% so với cùng kỳ); nộp ngân sách Nhà nước trên 7,5 tỷ đồng; đảm bảo việc làm ổn định cho 453 lao động với mức thu nhập bình quân đạt trên 9 triệu đồng/người/tháng.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Học, trong những tháng cuối năm, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên tiếp tục thực hiện các giải pháp sản xuất - kinh doanh, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2023. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng, nâng cấp các thiết bị máy móc, bảo đảm vận hành các nhà máy sản xuất và mạng lưới cấp nước khoa học, an toàn; kịp thời xử lý các sự cố trên hệ thống mạng lưới cấp nước nhằm hạn chế tối đa thời gian ngừng, gián đoạn cấp nước...
Từ đó góp phần tích cực nâng cao sức khỏe cộng đồng, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng nước của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn.