Giá vàng thế giới hôm nay (22/9) tiếp tục giảm khi đồng USD tăng nhẹ so với các loại tiền tệ khác. Trong nước, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại được giao dịch quanh 56,95 triệu đồng/lượng mua vào, 57,9 triệu đồng/lượng bán ra. Còn vàng miếng SJC điều chỉnh không đồng nhất tại các hệ thống kinh doanh nhưng vẫn neo trên mức cao, hơn 69 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, khoảng 6 giờ 30 ngày 22/9 (giờ Việt Nam), theo Kitco, giá vàng giao ngay ở mức 1.918,29 USD/ounce, giảm 11,20 USD/ounce (-0,58%). Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.939,9 USD/ounce, giảm 27,2 USD.
Vàng miếng SJC điều chỉnh không đồng nhất giữa các hệ thống kinh doanh. (Ảnh: Int)
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm khi đồng USD tăng nhẹ so với các loại tiền tệ khác và hiện vẫn neo gần mức cao nhất trong 6 tháng, một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ của mình trong thời gian tới.
Theo đó, kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9, Fed đã giữ lãi suất ổn định ở mức 5,25% -5,50%, phù hợp với kỳ vọng của thị trường, đồng thời phát đi tín hiệu về quan điểm cho rằng, chính sách “diều hâu” có thể vừa kiềm chế lạm phát mà không làm tổn hại tới nền kinh tế.
Cùng với khả năng sẽ có một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm nay, các dự báo khác cũng cho thấy Fed sẽ thắt chặt lãi suất vào năm 2024.
Nhà phân tích Ed Moya của OANDA cho biết: "Chứng khoán Mỹ sụt giảm và đồng USD đã tăng trở lại sau khi Fed giữ nguyên lãi suất và phát tín hiệu sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay. Nền kinh tế Mỹ vẫn đang mạnh và chu kỳ tăng lãi suất này có thể sẽ kéo dài hơn".
Mặc dù lãi suất được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn nhưng Milling-Stanley, chiến lược gia trưởng về vàng tại State Street Global Advisors, cho biết đây không phải là mối đe dọa đáng kể đối với đà tăng giá của vàng vì quyết định vào giữa tuần này của Fed đang tạo ra rất ít động lực mới cho đồng USD.
Ông nói: “Tôi không kỳ vọng chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái, nhưng các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho thời kỳ tăng trưởng chậm hơn và vàng có thể mang lại sự đa dạng hóa trong môi trường này”.
Trong nước, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại được giao dịch quanh 56,95 triệu đồng/lượng mua vào, 57,9 triệu đồng/lượng bán ra - mức cao nhất từ trước tới nay.
Còn vàng miếng SJC điều chỉnh không đồng nhất giữa các hệ thống kinh doanh. Trong khi Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng 150.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, hệ thống PNJ giữ nguyên giá, còn Tập đoàn Doji và Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giảm từ 100.000 – 200.000 đồng/lượng cả chiều mua và bán.
Hiện giá vàng miếng tại một số hệ thống kinh doanh được niêm yết như sau: Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 68,35 – 69,07 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji niêm yết tại 68,40 – 69,30 triệu đồng/lượng; Hệ thống PNJ niêm yết tại 68,60 – 69,30 triệu đồng/lượng; Bảo tín Minh Châu niêm yết tại 68,36 – 69,03 triệu đồng/lượng.
Có thể thấy, trong khoảng 5 tháng qua, giá vàng thế giới rớt từ vùng 2.000 USD/ounce xuống quanh vùng 1.900 USD/ounce (tương đương giảm 3 triệu đồng/lượng). Dù vậy, giá vàng trong nước chỉ tăng chứ không biến động cùng chiều với thế giới.
Ông Trần Văn Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc - Đá quý ASEAN (AJC), cho biết trong vòng 2 tháng qua, tuy giá thế giới biến động không nhiều nhưng giá vàng SJC vẫn tăng từ 67 triệu lên 69 triệu đồng/lượng. Riêng giá vàng nhẫn, vàng trang sức 99,99 trước đây thấp hơn vàng thế giới nhưng các tháng gần đây sức mua khởi sắc giúp loại vàng này tăng giá mạnh. Một yếu tố khác tác động là việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát việc nhập lậu vàng, dẫn đến khan hiếm nguyên liệu sản xuất. Từ đó, giá các loại vàng này tăng từ 55 triệu lên 57 triệu đồng/lượng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đánh giá diễn biến giá vàng trong nước 2 tháng qua là bất thường trong bối cảnh sức mua trên thị trường không đột biến. Phân tích kỹ hơn về nguyên nhân, ông Khánh cho hay, từ khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng (năm 2012) có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) chưa được nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nên nguồn cung trong nước rất hạn chế.
Riêng vàng SJC, tình trạng khan hiếm còn nghiêm trọng hơn. Nhiều người nắm giữ vàng SJC khi thấy giá chỉ tăng thì không bán ra. Do đó, nhu cầu chỉ cần nhích cao hơn bình thường sẽ đẩy giá vàng SJC tăng vọt.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, nhu cầu đối với vàng trong nước những ngày qua có tăng dù không đột biến nhưng vì vàng SJC khan hiếm nên giá tăng cao.
Một yếu tố khác, theo các chuyên gia, giá vàng thế giới niêm yết theo đồng USD, còn giá vàng trong nước niêm yết theo VND. Vài tháng nay, tỉ giá nhích lên dẫn đến giá vàng thế giới trở nên đắt hơn so với vàng trong nước nếu quy đổi ra VND.
Theo đó, các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị, cần sớm cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Bởi lẽ, vàng trang sức, mỹ nghệ hiện tại cũng được kinh doanh, mua bán như một loại hàng hóa thông thường.
Châu Giang