Mặc dù ngành cảng biển nói chung đã dần phục hồi với các tín hiệu tích cực từ cả vĩ mô và yếu tố ngành, Mirae Asset cho rằng vẫn còn nhiều rủi ro tiềm tàng trong phần còn lại của năm 2023 và trong năm 2024.
Do đó, Mirae Asset duy trì khuyến nghị Trung tính cho ngành Cảng biển Việt Nam.
Hoạt động xuất nhập khẩu và thông quan chạm đáy
Theo thống kê, hoạt động xuất nhập khẩu và thông quan dần phục hồi: Giá trị xuất nhập khẩu vẫn trên đà phục hồi trong 8 tháng 2023 ở mức 435,2 tỷ USD, giảm 13,1% so cùng kỳ.
Trong đó, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đạt lần lượt 227,7 tỷ USD (giảm 10% cùng kỳ) và 207,5 tỷ USD (giảm 16,2% cùng kỳ).
Hoạt động thông quan cũng có dấu hiệu phục hồi, với khối lượng thông quan 8 tháng 2023 ước đạt 495,8 triệu tấn, quay trở lại mức tăng trưởng dương (tăng 0,1% cùng kỳ).
Xét về sản lượng container, kết quả 8 tháng 2023 cũng cho thấy những tín hiệu tích cực, với tốc độ giảm lũy kế ngày càng thu hẹp. Tổng sản lượng container 8 tháng 2023 ước đạt 15,9 triệu TEU (giảm 6,1% cùng kỳ).
Sản xuất trong nước và FDI: Áp lực từ nhu cầu suy yếu giảm trong quý 3/2023, với chỉ số IIP của Việt Nam duy trì đà tăng tháng thứ tư liên tiếp kể từ tháng 5/2023. Trong khi đó, PMI của Việt Nam cho tín hiệu tạo đáy và tăng vượt trên ngưỡng 50 vào tháng 8/2023. Ngoài ra, trong 7 tháng 2023, FDI sản xuất, chế biến vẫn ổn định với vốn đăng ký lũy kế đạt 271,2 tỷ USD (tăng 6,6% cùng kỳ) và số dự án còn hiệu lực đạt 16.389 (tăng 4% cùng kỳ). Vốn đăng ký mỗi dự án tăng lên 16,6 triệu USD.
Các dự án trọng điểm mới: Sau chuyến thăm Việt Nam thành công của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Nhà Trắng ra tuyên bố công bố thỏa thuận hợp tác giữa Công ty điều hành cảng SSA Marine và Tập đoàn Gemadept (GMD) về phát triển cảng biển chiến lược tại khu vực phía Nam Việt Nam, trong đó có trung tâm logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đã đề xuất dự án cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ, vốn đầu tư ước tính 5,45 tỷ USD. Dự án này dự kiến gồm 7 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Một dự án lớn khác là cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, dự kiến sẽ trở thành cảng trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long.
Với các khoản đầu tư lớn sắp triển khai, Mirae Asset cho rằng sự cạnh tranh trong phân khúc cảng biển và lĩnh vực logistics sẽ ngày càng gay gắt khi các ông lớn tham gia và tăng cường cạnh tranh.
Triển vọng và rủi ro cuối 2023 và năm 2024
Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ: Nhờ mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và logistics. Ngoài ra, hai bên cam kết tạo điều kiện thuận lợi để tạo điều kiện mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của nhau, các chính sách kinh tế và thương mại hỗ trợ cũng như các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu này. Các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường đã được giải quyết thông qua Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư.
Mirae Asset tin rằng ngành cảng biển và logistics của Việt Nam sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ việc cải thiện mối quan hệ Việt-Mỹ, khi Mỹ hiện đang là khách hàng lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.
Niềm tin người tiêu dùng tăng dần: Đến cuối tháng 7, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cho thấy sự cải thiện dần dần so với đầu năm. Tăng trưởng chi tiêu thực ở Mỹ cũng duy trì ở mức tích cực dù còn ở mức thấp hơn so với đầu năm 2022. Kết hợp với dự phóng tăng trưởng GDP thực tế, Mirae Asset kỳ vọng mức tiêu dùng chung ở các thị trường đó sẽ duy trì ổn định trong thời gian còn lại của năm 2023.
Năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức: Bất chấp các tín hiệu phục hồi trong Q3 2023, chúng tôi không kỳ vọng giá trị hoặc khối lượng xuất nhập khẩu sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024. Tiết kiệm hộ gia đình ở Hoa Kỳ vẫn ở mức thấp, điều này báo hiệu không tốt cho hoạt động tiêu dùng trong tương lai. Ngoài ra, Fed còn cho biết sẽ thực hiện ít nhất một đợt tăng lãi suất trong năm 2023 và sẽ duy trì lãi suất cao ít nhất cho đến T6 2024. Tiêu dùng thấp và chính sách tiền tệ thắt chặt đe dọa sự phục hồi tiêu dùng ở Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Rủi ro chính: Địa chính trị, những bất ổn về lãi suất, sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và công suất cảng biển dư thừa trong ngắn hạn là những rủi ro chính đối với nhu cầu trong quý 4/2023 và năm 2024.
Trong bối cảnh đó, Mirae Asset nhận định rằng CTCP Container Việt Nam (HOSE: VSC) có dấu hiệu cải thiện trong nửa cuối 2023.
VSC là công ty logistics hoạt động kinh doanh chủ yếu tại miền Bắc Việt Nam thông qua hệ thống cảng biển, depot, kho bãi và phương tiện vận tải tại khu vực Đình Vũ, Hải Phòng. Công ty có tốc độ tăng trưởng ổn định và đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam thông qua việc mua lại cảng Nam Hải Đình Vũ. Mirae Asset nhận định VSC là một công ty logistics đang phát triển ổn định với tình hình tài chính vững mạnh và dòng tiền vững chắc.
Trong Q2/2023, doanh thu của VSC tăng nhẹ 4,5% so cùng kỳ khi đạt 534,6 tỷ đồng. Do hoạt động xuất nhập khẩu yếu, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống 27,8%. Lợi nhuận gộp đạt 148,8 tỷ đồng (giảm 16,2% cùng kỳ).
Do VSC tăng nợ ngắn hạn và dài hạn cho việc mua lại cảng Nam Hải Đình Vũ, chi phí tài chính trong quý 2 đã tăng lên 44,1 tỷ đồng. Do đó, hoạt động kinh doanh và lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 đều giảm, lần lượt xuống 50,5 tỷ đồng (-63,9%) và 34,3 tỷ đồng (-69,7%). Trong 6 tháng 2023, VSC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 997,9 tỷ đồng (+1,7% cùng kỳ) và 77,1 tỷ đồng (-65,4% cùng kỳ).
Trong quý 2/2023, VSC và các đối tác đã hoàn tất việc mua lại cảng Nam Hải Đình Vũ, trong đó VSC đầu tư 1.050 tỷ đồng để sở hữu 35% cổ phần của cảng. Trong phần còn lại của năm 2023 và năm 2024, công ty có kế hoạch tăng tỷ lệ nắm giữ NHDV lên tối đa 79%. Để tài trợ cho thương vụ này, VSC dự kiến phát hành gần 133,4 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Mirae Asset điều chỉnh doanh thu dự phóng năm 2023 của VSC xuống còn .037,6 tỷ đồng (+1.5% cùng kỳ), phản ánh 35% cổ phần của VSC tại cảng Nam Hải Đình Vũ và không hợp nhất sản lượng và doanh thu từ cảng này trong tổng doanh thu năm 2023 của công ty.
Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2023 có thể tốt hơn dự báo trước đó là 22,6%, lên mức 27,3%, bất chấp xu hướng giảm hiện tại. Chi phí tài chính của VSC sẽ tăng đáng kể do công ty tăng nợ cho việc mua lại Nam Hải Đình Vũ. Mirae Asset nâng lãi ròng năm 2023 lên 152,5 tỷ đồng (-51,6% cùng kỳ).
Mirae Asset đã sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do cho công ty để định giá cổ phiếu VSC, với các giả định chính: 1) Tỷ suất lợi nhuận yêu cầu là 12% (WACC at 11,1%); 2) tốc độ tăng trưởng dài hạn vào năm 2033 là 5%; và 3) đơn giá dịch vụ được giữ nguyên cho đến năm 2033. Mirae Asset xác định giá mục tiêu cho VSC xuống 35.400 đồng và khuyến nghị Mua với cổ phiếu VSC.
Minh An