• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.241,15 +0,74/+0,06%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 10:55:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.241,15   +0,74/+0,06%  |   HNX-INDEX   224,70   +0,08/+0,03%  |   UPCOM-INDEX   92,35   -0,09/-0,10%  |   VN30   1.299,93   +2,12/+0,16%  |   HNX30   477,75   -0,05/-0,01%
05 Tháng Mười Hai 2024 11:04:09 SA - Mở cửa
Làm gì để giải ‘bài toán’ nhập khẩu nguyên liệu với chi phí cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 27/09/2023 9:06:47 SA

Gần 73% số doanh nghiệp trong cuộc khảo sát mới đây cho biết, một trong những chiến lược ưu tiên của họ nhằm tăng trưởng lợi nhuận trong các tháng cuối năm là “tìm kiếm nhà cung ứng mới với chi phí cạnh tranh hơn”. Tuy vậy, việc tìm kiếm này, nhất là nhập khẩu nguyên liệu với chi phí cạnh tranh và ít rủi ro, không phải là “bài toán” đơn giản mà bất kỳ doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng có thể giải được nếu không có sự chủ động thay đổi nhận thức, tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA và thiết kế lại chuỗi cung ứng phù hợp hơn.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp (DN) vào tháng 9/2023 của Vietnam Report cho thấy, một trong top 7 chiến lược ưu tiên tăng trưởng lợi nhuận của DN trong các tháng cuối năm nay chính là việc “tìm kiếm nhà cung ứng mới với chi phí cạnh tranh hơn”. 

Thiếu tự chủ tận dụng ưu đãi nhập khẩu từ các FTA

Chiến lược ưu tiên này được 72,7% số DN cho biết sẽ thực hiện trong thời gian tới để tiết giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng khả năng cạnh tranh về giá cả của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Đồng thời, nhiều nhà cung ứng khác nhau cũng giúp DN sản xuất trong nước đảm bảo nguồn cung ứng đa dạng hơn và giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự ngưng trệ hoặc thay đổi tình hình của một nhà cung ứng duy nhất.

Gần 73% số DN trong một cuộc khảo sát mới đây cho biết một trong những chiến lược ưu tiên của họ nhằm tăng trưởng lợi nhuận trong các tháng cuối năm là “tìm kiếm nhà cung ứng mới với chi phí cạnh tranh hơn”.

Tuy vậy, làm thế nào để tìm được nhà cung ứng mới (nhất là trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất) với chi phí cạnh tranh hơn, giảm thiểu rủi ro hơn thì không phải DN Việt nào cũng có thể làm được.

Đặc biệt, việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia để phục vụ cho việc nhập khẩu (NK) nguyên phụ liệu của DN trong nước còn khá hạn chế.

Chẳng hạn như với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhìn lại 3 năm thực thi, Ts. Nguyễn Thái Chuyên (Đại học RMIT) cho rằng, nhiều DN Việt Nam vẫn chưa đạt được sự tự chủ trong việc tìm hiểu và tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định.

Chuyên gia này dẫn lại khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về nhận thức của DN đối với EVFTA cho thấy mặc dù gần 94% DN đã nghe nói hoặc biết về EVFTA, thế nhưng chỉ khoảng 40% trong số đó hiểu tương đối hoặc hiểu rõ về cam kết của hiệp định này đối với hoạt động kinh doanh của mình.

Trong khi đó, EVFTA được cho là mở ra cơ hội để các DN Việt có thể NK nguyên phụ liệu với chi phí cạnh tranh, cũng như tiếp cận công nghệ tiên tiến từ EU, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và phát triển các ngành công nghiệp hiện đại hơn.

Ngoài ra, các chuyên gia của VCCI từng lưu ý DN Việt đã sử dụng rất ít biểu thuế của một số FTA so với mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN). Không ít DN thừa nhận, họ không biết là được ưu đãi về thuế, nên không chuẩn bị giấy tờ, thủ tục. Một nhóm DN khác lại bày tỏ, không biết phải bắt đầu từ đâu để có được các điều kiện để hưởng ưu đãi.

Bên cạnh việc chưa tận dụng hiệu quả các FTA để NK nguyên phụ liệu với chi phí cạnh tranh, một điều dễ nhận thấy là NK từ Trung Quốc vẫn còn chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch NK của Việt Nam hiện nay. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 8 tháng năm 2023, dù kim ngạch đã giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,13 tỷ USD.

Thiết kế lại chuỗi cung ứng phù hợp hơn

Lâu nay, các DN vẫn NK nguyên liệu từ Trung Quốc vì chi phí rẻ hơn so với các quốc gia khác, thế nhưng điều này lại khó có thể tận dụng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào một số thị trường FTA chủ lực.

Chẳng hạn như khi XK vào thị trường EU, theo Ts. Nguyễn Thái Chuyên, DN Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ quy tắc xuất xứ trong EVFTA. EU là một thị trường khắt khe với tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, yêu cầu an toàn cho hàng hóa công nghiệp, các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch cho các sản phẩm nông nghiệp NK và thực phẩm từ nước ngoài. Điều này cũng là một trở ngại khác đối với các DN Việt Nam vì phần lớn nguyên liệu sản xuất hàng hóa được nhập từ Trung Quốc và các nước trong ASEAN, khó kiểm soát về tiêu chuẩn chất lượng.

Để tận dụng ưu đãi thuế quan NK từ các FTA và giải “bài toán” NK nguyên liệu với chi phí cạnh tranh, giới chuyên gia nhấn mạnh điều quan trọng là các DN cần có sự chủ động hơn trong việc tìm nhà cung ứng mới. Cụ thể là chủ động thay đổi nhận thức lâu nay là NK nguồn nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc, chủ động tiếp cận, phân tích các thông tin về giá cả nguyên liệu từ các quốc gia khác để phục vụ tốt nhất cho việc NK.

Đơn cử như thời gian gần đây, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm có sự chuyển hướng trong NK nguyên liệu ngô hạt ở những thị trường có giá cạnh tranh hơn. Điều này có thể thấy rõ từ thị trường Ấn Độ: trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam đã nhập 1,18 triệu tấn ngô với kim ngạch 364,97 triệu USD, giá 309,7 USD/tấn, chiếm 22% tổng lượng và 21,3% tổng kim ngạch NK ngô của cả nước. 

Con số NK ngô Ấn Độ đã tăng 74% về lượng, tăng 63,2% về kim ngạch, nhưng giá giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá NK ngô từ Ấn Độ được cho là có mức cạnh tranh nhất so với những thị trường lớn khác như Brazil, Argentina. Nhờ đó góp phần giúp các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm giảm được phần nào chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.

Có thể thấy, điều mong đợi hiện nay là việc phục hồi của NK nguyên phụ liệu cho sản xuất. Bởi lẽ, một khi NK phục hồi sẽ là một tín hiệu cho sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu trong những tháng tới.

Chuyện phục hồi NK nguyên phụ liệu không thể một sớm một chiều khi mà việc thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu vẫn còn là một thách thức lớn. Nhưng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và giành lại các đơn hàng thì việc phục hồi NK nguyên liệu với chi phí cạnh tranh hơn, đảm bảo được quy tắc xuất xứ trong các FTA là điều mà các DN Việt cần hướng tới.

Vấn đề này đòi hỏi các DN cần thiết kế lại chuỗi cung ứng phù hợp hơn nhằm tối ưu hóa chi phí để duy trì lợi nhuận và tạo sự đề phòng trước những biến đổi khó lường của tình hình kinh doanh, cũng như tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu với chi phí hợp lý hơn trong tương lai và đầu tư vào nhu cầu của ngày mai.

Thế Vinh