Kể từ khi chính thức mở cửa nền kinh tế năm 1986, Việt Nam đã từng bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Những chuyển biến lớn
Theo số liệu từ Cushman & Wakefield, từ con số khởi đầu khiêm tốn với chỉ khoảng 335 ha đất khu công nghiệp, đến năm 2024, diện tích đất dành riêng cho lĩnh vực này đã tăng lên gần 150.000 ha. Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình như một trung tâm sản xuất hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Trong năm 2024, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư nổi bật. Tháng 3/2024, Mapletree Logistics Trust – một quỹ đầu tư đến từ Singapore – chi 68,4 triệu SGD (hơn 50 triệu USD) để mua lại hai nhà kho hạng A tại Bình Dương và Hưng Yên. Những cơ sở này có vị trí chiến lược, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM và Hà Nội.
Không chỉ dừng lại ở bất động sản công nghiệp truyền thống, các loại hình bất động sản mới nổi cũng đang gia tăng nhanh chóng. Tháng 5/2024, VNG Corporation và ST Telemedia Global Data Centres công bố hợp tác xây dựng các trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế tại TP.HCM. Tháng 7/2024, Daiwa House Logistics Trust hoàn tất thương vụ mua lại dự án D Project Tan Duc 2 tại Long An với giá 26,5 triệu USD, đánh dấu lần đầu tiên quỹ tín thác này sở hữu bất động sản tại Việt Nam.
Ngoài ra, lĩnh vực kho lạnh cũng có bước tiến đáng kể. Tháng 8/2023, Lineage – một quỹ tín thác bất động sản (REIT) công nghiệp – ký kết liên doanh với SK Logistics để khai thác hai dự án kho lạnh tại Hà Nội và Hưng Yên, phục vụ các chuỗi siêu thị và hộ gia đình địa phương.
Theo đánh giá của Cushman & Wakefield, năng lượng ổn định và bền vững là nền tảng để phát triển bất động sản công nghiệp. Tháng 6/2024, Tập đoàn Sembcorp công bố việc mua lại gần toàn bộ cổ phần tại ba công ty con của Gelex thông qua Sembcorp Solar Vietnam. Thương vụ này bổ sung 196 MW công suất năng lượng gió và mặt trời vào danh mục của Sembcorp, khẳng định cam kết phát triển bền vững tại Việt Nam.
Cơ hội và thách thức
Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield nhận định, M&A mang lại lợi ích lớn, giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô, tiếp cận nguồn vốn và nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp không ít khó khăn. Các nhà đầu tư nước ngoài đối mặt với thách thức về pháp lý, thủ tục hành chính và khả năng định giá tài sản phù hợp.
Định giá tài sản chính xác là yếu tố quyết định thành công, vì giá trị tài sản phải phản ánh đúng tình hình thị trường. Hầu hết các nhà đầu tư đều ưu tiên các tài sản có pháp lý rõ ràng, vị trí chiến lược tại các thủ phủ công nghiệp như Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc hoặc Long An.
Đối với bên bán, việc đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh và sở hữu các chứng nhận quốc tế đang trở thành yếu tố bắt buộc, đặc biệt khi các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và châu Âu ngày càng yêu cầu sản phẩm bền vững.
Theo Cushman & Wakefield, từ 2024 - 2027, nguồn cung bất động sản công nghiệp tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam dự kiến bổ sung 10.600 ha đất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng 7,5%/năm.
Nguồn cung nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cũng sẽ tăng đáng kể, lần lượt thêm 1,9 triệu m² và 2,6 triệu m², với tốc độ tăng trưởng 5,9%/năm và 10,1%/năm.
Theo bà Trang Bùi, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế dựa trên xuất khẩu, đồng thời tích cực cải thiện môi trường kinh doanh. Với chiến lược phát triển đúng đắn và sự hỗ trợ từ Chính phủ, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu tại Đông Nam Á, tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế mạnh mẽ.
Bất động sản công nghiệp sẽ là lĩnh vực mũi nhọn, dẫn dắt làn sóng M&A trong thời gian tới, với những cơ hội bùng nổ trên thị trường.