• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
08 Tháng Mười Một 2024 10:15:15 CH - Mở cửa
'Kiềng ba chân' cho ngành du lịch
Nguồn tin: Vietnam+ | 27/09/2023 1:57:36 CH

Du lịch toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 bất chấp những thách thức về kinh tế và tình trạng bất ổn địa chính trị. Ngành “công nghiệp không khói” của nhiều quốc gia đang đứng trước cơ hội bùng nổ để trở lại là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

Du khách đón hoàng hôn tại bãi biển Sunset Sanato, Bãi Trường, thành phố Phú Quốc, Việt Nam. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO), trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2023, có 700 triệu lượt người đã đi du lịch quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 7 là tháng cao điểm với 145 triệu lượt du khách quốc tế được ghi nhận, chiếm khoảng 20% tổng số khách du lịch trong 7 tháng. Dự báo trong thời gian còn lại của năm, bước phục hồi tiếp tục diễn ra nhưng với tốc độ vừa phải hơn sau mùa Hè cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8. UNWTO ước tính lượng du khách quốc tế năm 2023 có thể đạt mức 80-90% so với giai đoạn trước đại dịch. Chi tiêu cho du lịch năm 2023 dự báo tăng 20%. Thời gian lưu trú cũng dài hơn.  

UNWTO cho biết kết quả trên đạt được nhờ vào nhu cầu du lịch tăng mạnh sau thời gian bị dồn nén do đại dịch, khả năng kết nối hàng không ngày càng tăng, trong khi các nước đã tư duy lại và hành động để thúc đẩy ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn này.

Tây Ban Nha, Na Uy, Đức ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính như miễn thuế, hoàn thuế, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm lãi suất ngân hàng cho các khoản vay của doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Hy Lạp, Israel có chính sách hỗ trợ thu nhập và đào tạo nhân lực ngành du lịch…Hàn Quốc, Bahrain đẩy mạnh hợp tác công-tư trong phát triển các sản phẩm du lịch mới. Saudi Arabia triển khai chương trình “Saudi Seasons” với 11 sự kiện quy mô lớn được tổ chức chỉ trong vòng 1 năm. Singapore, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cấp thị thực lưu trú dài hạn. Thái Lan cấp thị thực lên tới 10 năm để thu hút tầng lớp người giàu, người nghỉ hưu, các chuyên gia và gia đình đến đầu tư và định cư. Indonesia, Singapore, Thái Lan tập trung quảng bá, đẩy mạnh thu hút khách du lịch đến từ ASEAN, Ấn Độ. Tại Việt Nam, những thay đổi về thủ tục cấp thị thực, thị thực điện tử, tăng thời hạn lưu trú với người nước ngoài… áp dụng từ ngày 15/8 đã tạo chuyển biến tích cực cho ngành du lịch. 

Khách du lịch tại bãi biển ở Benidorm, Tây Ban Nha. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát, xung đột và biến đổi khí hậu, ngành du lịch cũng phải thay đổi phương thức cung cấp dịch vụ để thích nghi và ứng phó với những thách thức mới. Những năm qua, mức tiêu thụ năng lượng, đất và nước của ngành du lịch đã liên tục tăng lên, kéo theo đó là sự gia tăng đáng kể lượng khí thải carbon và chất thải, từ đó tạo áp lực đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và gây tổn hại tới đa dạng sinh học. Đáng lưu ý là những hậu quả này thường ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cộng đồng dân cư bản địa, những người đã bảo tồn hầu hết các khu rừng, đồng cỏ và các môi trường khác của Trái Đất trong nhiều thế kỷ qua. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới chất lượng của các điểm đến du lịch dựa vào tự nhiên. Đợt nắng nóng kéo dài nhất từng xảy ra tại Hy Lạp với nhiệt độ trên 40 độ C trong hơn 14 ngày liên tiếp hồi tháng 7 vừa qua khiến du khách "tránh xa" các di tích lịch sử vào những giờ nhiệt độ cao nhất trong ngày. Theo khảo sát của công ty phân tích dữ liệu Mabiran ở Tây Ban Nha, nắng nóng làm giảm mức độ hài lòng chung của khách du lịch ở Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italy và Pháp. 

Bởi vậy, LHQ kêu gọi các quốc gia thúc đẩy cách tiếp cận tái tạo nhằm cân bằng lại mối quan hệ của du lịch với tự nhiên, hướng tới mục tiêu đảm bảo rằng du lịch tôn trọng truyền thống văn hóa của các quốc gia và cộng đồng sở tại, cũng như đảm bảo rằng các hoạt động du lịch mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các bên liên quan.. Điều đó dẫn tới yêu cầu phải xác định và điều chỉnh lại phương hướng cũng như cách thức đầu tư vào du lịch vì một tương lai bền vững.

Chính vì lẽ đó, LHQ lấy chủ đề “Du lịch và đầu tư xanh” cho Ngày Du lịch thế giới 2023, nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư nhiều hơn và có mục tiêu hơn vì con người, vì hành tinh và vì sự thịnh vượng, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Với mục tiêu vì con người, LHQ kêu gọi đầu tư vào giáo dục và kỹ năng, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trong ngành du lịch chính là vì hành tinh. Trong khi đó, sự thịnh vượng gắn với đầu tư vào đổi mới, công nghệ và tinh thần kinh doanh. Đây được coi là chiến lược đầu tư "kiềng ba chân" để phát triển bền vững ngành du lịch. 

Khách du lịch tham quan Vịnh Maya trên đảo Phi-Phi, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều nước trên thế giới đã tập trung đầu tư và xanh hóa các cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khuyến khích chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Từ năm ngoái, đảo Koh Mak, một hòn đảo nhỏ có cảnh đẹp tự nhiên ở Vịnh Thái Lan đã được Chính phủ Thái Lan lựa chọn để thí điểm chính sách du lịch xanh theo Mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG) nhằm cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng du lịch và bảo vệ môi trường tự nhiên. Hòn đảo này được định hướng phát triển thành một điểm đến du lịch vừa có thể tạo ra thu nhập cho người dân, vừa thúc đẩy quản lý tốt và cung cấp các điểm du lịch trên đảo với sự sạch sẽ, thuận tiện và an toàn, là “điểm đến carbon thấp” đầu tiên của Thái Lan. Tại các điểm "du lịch nông nghiệp" - các vườn sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon, nhãn ở các tỉnh miền Đông Thái Lan vốn nổi tiếng là vựa trái cây của đất nước, nông dân đang hướng tới lối canh tác hữu cơ, giảm sử dụng thuốc trừ sâu nhằm hạn chế phơi nhiễm hoá chất trong cộng đồng nông thôn và người tiêu dùng. Nhờ đó, du lịch nông nghiệp trở thành một loại hình nông nghiệp gia tăng giá trị thông qua du lịch, không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương mà còn thúc đẩy các tập quán nông nghiệp tốt.

Tại Việt Nam, phát triển bền vững, phát triển xanh đã được xác định là hướng quan trọng trong các chiến lược, đề án của ngành du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tập trung: “Phát triển Du lịch Xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.”

Giới chuyên gia nhận định một trong những vấn đề quan trọng của ngành du lịch hiện nay là chuyển đổi từ mô hình du lịch truyền thống sang mô hình du lịch bền vững hơn. Du lịch cần phải tập trung vào bảo vệ môi trường, sử dụng ít tài nguyên hơn (đặc biệt là nước) và có tác động tích cực đối với cả cộng đồng địa phương và du khách. Chiến lược đầu tư "kiềng ba chân" vì con người, vì hành tinh và vì sự thịnh vượng được coi là đòn bẩy để thực hiện mục tiêu đó, bởi như khẳng định của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trong thông điệp nhân Ngày Du lịch thế giới 27/9, đầu tư vào du lịch bền vững là đầu tư vào một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Lan Phương (TTXVN)