Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 7,3 triệu m3 xăng dầu, tương đương gần 6 tỷ USD, tăng 24% về lượng nhưng giảm 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 8 tháng đầu năm, giá xăng dầu nhập khẩu ở mức 808 USD/tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng trong tháng 8, Việt Nam nhập khẩu hơn 1,2 triệu m3 xăng dầu, tương đương hơn 1 tỷ USD, tăng 30% về lượng và tăng 45% về giá trị so với tháng 7. So với tháng 8/2022, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam tháng này gấp 2,6 lần về lượng và gấp 2,3 lần về giá trị.
Đây là động thái nhằm bổ sung nguồn cung cho thị trường xăng dầu sau khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bảo dưỡng từ ngày 25/8.
Giá xăng dầu nhập khẩu trong tháng 8 khoảng 709 USD/m3, tăng 11,5% so với tháng 7 nhưng giảm 15% so với tháng 7/2022. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp, giá xăng dầu nhập khẩu đi lên.
Ngày 25/8 vừa qua, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã tạm dừng hoạt động và bước vào đợt bảo dưỡng kéo dài 55 ngày. Để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 09 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Chỉ thị nêu rõ, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên.
Các thương nhân chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để đảm bắc không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Đồng thời, có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu trong nước (tại hợp đồng ký kết giữa các bên), trong đó cần cam kết rõ ràng, chặt chẽ các chế tài xử lý khi một trong các bên vi phạm để bảo đảm các thương nhân sản xuất và thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo đúng nội dung, sản lượng đã ký kết giữa các bên.
Thương nhân chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, dữ liệu cho các cơ quan chức năng (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương...) để làm cơ sở cập nhật chính xác, tính đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, đảm bảo hiệu quả trong công tác điều hành, bình ổn giá mặt hàng xăng dầu, hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.