Với việc số lượng xe lắp ráp của Công ty TNHH Ford Việt Nam trong tháng 8 tăng 43% so với tháng trước, lĩnh vực sản xuất xe có động cơ trên địa bàn tỉnh Hải Dương 8 tháng năm 2023 tăng mạnh 22,3% so cùng kỳ.
Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn biến động phức tạp, lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu duy trì ở mức thấp ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, sản xuất công nghiệp Hải Dương nỗ lực duy trì hoạt động và tăng trưởng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 7,5% so cùng kỳ
Theo số liệu cập nhật của Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, so với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 2,1%; trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 0,2%.
So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 5,2% với một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng đáng kể như: Thức ăn chăn nuôi tăng 2,8%; Sản phẩm bằng plastic tăng 2,1%; Xe ô tô từ 5 người trở lên tăng 47,5%; bộ dây điện cho xe có động cơ tăng 26,6%, điện sản xuất tăng 55,9%, nước sạch tăng 8,3%.
Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của Tỉnh tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 19,4%.
Một số ngành có tỷ trọng lớn tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành.
Cụ thể, ngành sản xuất xe có động cơ tăng 22,3%, tác động làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 3,2 điểm %; sản phẩm chủ yếu gồm: Xe có động cơ chở được từ 05 người trở lên tăng gấp đôi; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 16,1%. Trong tháng 7, để kiểm soát tồn kho, Công ty TNHH Ford Việt Nam đã giảm sản lượng sản xuất, sang tháng 8 số lượng xe lắp ráp đã tăng trở lại (tăng 43% so với tháng trước).
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19,4%, tác động làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 2,5 điểm %. Sản xuất điện tăng cao trong các tháng cao điểm nắng nóng của quý II. Dù hiện nay các nhà máy thuỷ điện đã hoạt động ổn định trở lại, nhưng sản lượng nhiệt điện sản xuất của Tỉnh vẫn ổn định (khoảng 0,9 đến 1 tỷ KWh/tháng) do nhu cầu sử dụng điện trong các khung giờ cao điểm vẫn khá cao.
Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 4,5%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,9 điểm %; trong đó, mạch điện tử tích hợp tăng 1,6%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy... tăng 10,6%. Đây là ngành chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên nhu cầu giảm mạnh tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… làm cho hoạt động sản xuất giảm.
Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 10,4%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,7 điểm%; trong đó, sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 12,8%. Thời gian gần đây, giá các sản phẩm chăn nuôi đã tăng trở lại, trong khi giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm, người chăn nuôi có lãi nên nhu cầu tiêu thụ tăng.
Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại và ngành sản xuất kim loại giảm lần lượt 5,5% và 1,8%; làm chỉ số chung giảm 0,6 điểm %. Hoạt động đầu tư, xây dựng sụt giảm nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng ở mức thấp.
Sản xuất than cốc giảm 21,8%; tác động làm chỉ số chung giảm 0,4 điểm %. Do Công ty CP Thép Hòa Phát sụt giảm sản lượng thép làm cho nhu cầu than cốc giảm theo.
Ngành may mặc, giày dép, sản xuất gỗ, sản xuất đồ chơi do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều giảm do tình hình lạm phát cao và sức mua giảm. Hiện nay, thị trường thế giới chưa có tín hiệu phục hồi, nên đa số các doanh nghiệp trong các ngành này thiếu hụt đơn hàng, công nhân phải nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên. Sản lượng sản xuất của các ngành này lần lượt giảm 9%; 4,8%; 11,8%; 5,2% đã tác động làm chỉ số chung giảm 1 điểm %.
Sử dụng lao động trong doanh nghiệp công nghiệp vẫn xu hướng giảm
Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2023 bằng 100,6% so với tháng trước, bằng 90,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng đầu năm, số lượng lao động bằng 94,2% so cùng kỳ. Nguyên nhân suy giảm là do một số ngành sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc, giày dép, điện tử, sản xuất đồ chơi phải cắt giảm lao động do sự thiếu hụt đơn hàng. Một số doanh nghiệp không có việc làm buộc phải cho lao động nghỉ phép luân phiên hoặc cắt giảm lao động.
Một số ngành có sử dụng lao động giảm khá nhiều trong 8 tháng đầu năm là: Khai khoáng giảm 65,3%; sản xuất trang phục giảm 13,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 4,8%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm 23,9%; sản xuất than cốc giảm 16,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 2,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 24,7%...
Trong khi đó, một số ngành có số lượng lao động tăng trong 8 tháng đầu năm là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 2,3%; sản xuất đồ uống tăng 2,3%; dệt tăng 6%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 3,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 1,2%; sản xuất xe có động cơ và phụ tùng tăng 7,1%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 10%...