Theo Bộ Tài chính, tổng giá trị dự kiến thu từ bán vốn nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 21.827 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến thu từ bán vốn nhà nước giai đoạn 2023-2025 là 16.979 tỷ đồng và số thu từ bán vốn nhà nước năm 2021, 2022 là 4.848 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tình hình cổ phần hoá, thoái vốn 8 tháng năm 2023 còn chậm. Trong 8 tháng, không phát sinh doanh nghiệp cổ phần hoá.
Trong khi đó, tình hình thoái vốn cũng không khả quan khi luỹ kế 8 tháng năm 2023, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp (trong đó có 3 doanh nghiệp theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg và 1 doanh nghiệp theo Thông báo số 281/TB-VPCP) với giá trị 8,8 tỷ đồng chỉ thu về 19 tỷ đồng. Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng đã thoái vốn tại 07 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.
Kết quả cổ phần hoá, thoái vốn như trên đã ảnh hưởng đến nguồn thu từ bán vốn nhà nước. Bộ Tài chính cho biết, triển khai Công văn số 4538/VPCP-KTTH ngày 20/6/2023 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị nghiên cứu, có ý kiến tham gia đối với nội dung về tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2022 và quý I/2023.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương chưa rà soát, lập kế hoạch cụ thể triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp trực thuộc và dự kiến số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn thu được để nộp về ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2025.
Trên cơ sở tổng hợp số liệu của 82/86 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính báo cáo dự kiến nguồn thu từ bán vốn nhà nước nộp về ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, tổng giá trị dự kiến nộp về ngân sách trung ương là 9.029 tỷ đồng, trong đó cổ phần hóa là 1.976 tỷ đồng, thoái vốn là 7.053 tỷ đồng. Tổng giá trị dự kiến nộp về ngân sách địa phương đạt 7.455 tỷ đồng, trong đó cổ phần hóa là 2.547 tỷ đồng, thoái vốn là 4.907 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết, tổng giá trị các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn trước năm 2023 chưa nộp về ngân sách nhà nước theo quy định là 494 tỷ đồng, trong đó cổ phần hóa là 14 tỷ đồng, thoái vốn là 480 tỷ đồng.
Như vậy, tổng giá trị dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2023-2025 là khoảng 16.484 đồng. Nếu tính cả số tiền đã thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021-2022 đang giữ tại địa phương, chưa nộp tiền thu về ngân sách nhà nước là 16.979 tỷ đồng.
Tổng giá trị dự kiến thu từ bán vốn nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 21.827 tỷ đồng, bao gồm dự kiến thu từ bán vốn nhà nước giai đoạn 2023-2025 là 16.979 tỷ đồng và số thu từ bán vốn nhà nước năm 2021 và 2022 là 4.848 tỷ đồng.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, các cơ chế chính sách pháp luật sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ.
Trong đó, sẽ rà soát, nghiên cứu quy định về xác định giá trị doanh nghiệp; xác định giá trị quyền sử dụng đất bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc gắn công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trong quy trình cổ phần hóa...
Đồng thời, xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước để tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn...