Dù đi lên trong phiên cuối tuần, song đà giảm liên tiếp từ đầu tuần này khiến vàng không thoát khỏi tuần giao dịch ảm đạm.
Trưng bày các thỏi vàng tại ngân hàng Bundesbank ở Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN
Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong 1 tuần vào phiên cuối tuần này, khi sự leo thang trong xung đột ở Trung Đông thúc đẩy hoạt động mua vào kim loại quý để bảo toàn vốn trong khi lạm phát giá sản xuất tại Mỹ giảm đã thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất sớm hơn.
Số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến trong tháng 12/2023 đã khiến giá vàng giảm ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 8/1).
Giá kim loại quý này tiếp tục lùi sau trong ba phiên giao dịch liền sau đó, do đồng USD mạnh lên sau số liệu lạm phát “nóng” hơn dự kiến. Trong khi đó, những bình luận từ các quan chức Fed đã làm dấy lên lo ngại về việc lãi suất cao có thể không thay đổi sau tháng 3/2024.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/1, giá vàng giao ngay tăng 1% lên 2.048,21 USD/ounce, sau khi tăng tới 1,7% vào đầu phiên. Giá vàng hầu như đi ngang trong tuần này, nhưng nối dài mức giao dịch trên 2.000 USD/ounce lên gần 1 tháng. Giá vàng giao kỳ hạn tăng 1,6% lên 2.051,60 USD/ounce.
Mỹ và Anh đã tiến hành các hoạt động quân sự ở Yemen nhắm vào lực lượng Houthi vì các cuộc tấn công tàu ở Biển Đỏ. Iran quan ngại các hoạt động này sẽ gây ra sự bất ổn trong khu vực.
Ông Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá tại ngân hàng đầu tư TD Securities (Canada), nhận định: “Sự gia tăng rủi ro địa chính trị đang thúc đẩy giá vàng tăng, đồng thời, Fed có thể sẵn sàng để bắt đầu điều tiết chính sách tiền tệ thắt chặt của mình”.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ giảm, cũng là một yếu tố tác động quan trọng đối với giá vàng. PPI của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 12/2023, giữa bối cảnh chi phí hàng hoá như nhiên liệu diesel và thực phẩm giảm, cho thấy lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Tuy nhiên, dữ liệu vào ngày 11/1 cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 12/2023.
Trong khi đó, số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 11/1 cho thấy, lạm phát giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 12/2023 tăng mạnh hơn dự kiến, trong khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực để kiểm soát giá cả. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng mạnh hơn mức tăng trong tháng 11/2023.
Số liệu trên cho thấy con đường hạ nhiệt lạm phát không dễ dàng. Tuy nhiên, lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, giảm xuống 3,9% trong tháng cuối cùng của năm 2023, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021.
Trong phát biểu ngày 11/1, Tổng thống Biden cho biết nền kinh tế đã tạo trên 14 triệu việc làm kể từ khi ông nhậm chức và giá trị tài sản, lương và việc làm tăng mạnh hơn so với dưới thời người tiền nhiệm. Nhưng ông cho rằng cần thêm nhiều nỗ lực để giảm lạm phát.
Mặc dù CPI tháng 12/2023 tăng, lạm phát đã giảm đáng kể từ mức đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022, trong khi chi tiêu tiêu dùng và thị trường việc làm vẫn mạnh.
Điều đó làm tăng hy vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ "hạ cánh mềm", trong khi lạm phát hạ nhiệt mà không gây suy thoái kinh tế.
Các chuyên gia nhận định Fed sẽ chờ thêm các số liệu khi hoạch định lộ trình lãi suất, mặc dù lạm phát tăng có thể gây thêm sức ép lên Fed trong việc giữ nguyên lãi suất ở mức cao.
Còn theo công cụ CME Fedwatch, nhà đầu tư nhận thấy xác suất 80% Fed sẽ hạ lãi suất trong tháng 3/2024, cao hơn dự báo 70% khả năng trước khi có báo cáo PPI.
Được xem là kênh trú ẩn an toàn, vàng có xu hướng tăng giá trong thời kỳ bất ổn, trong khi lãi suất thấp hơn cũng thúc đẩy sức hấp dẫn của tài sản không đem lại lợi suất.
Minh Trang