Cuối năm ngoái, một số đơn vị nghiên cứu thị trường cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã về vùng thấp lịch sử với 5%, và dư địa để hạ thêm không quá nhiều. Tuy nhiên, qua 2 tuần đầu năm mới, mặt bằng lãi suất huy động toàn hệ thống vẫn chưa dừng giảm, khi nhiều ngân hàng tiếp tục có sự điều chỉnh ở các kỳ hạn.
Theo ghi nhận của VnBusiness, chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 1/2024 đã có gần 10 ngân hàng giảm lãi suất huy động.
Mới đây nhất là Techcombank công bố biểu lãi suất mới dành cho khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 15/1.
Tại lần điều chỉnh này, Techcombank giảm lãi suất đồng loạt tại nhiều kỳ hạn, đưa mức lãi suất tại các kỳ hạn dưới 12 tháng xuống dưới mốc 4%/năm. Mức giảm lãi suất dao động từ 0,4 - 0,8 điểm % tại các kỳ hạn khác nhau.
Cụ thể, tiền gửi các kỳ hạn 1 - 2 tháng có cùng mức lãi suất giảm từ 3,2%/năm về 2,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 - 5 tháng giảm từ 3,3%/năm về 2,9%/năm; kỳ hạn 6 - 8 tháng giảm từ 4,3%/năm về 3,5%/năm và kỳ hạn 9 - 11 tháng giảm từ 4,35%/năm về 3,55%/năm. Kỳ hạn 12 tháng trở lên giảm từ 4,7%/năm về 4,6%/năm.
Lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng tại nhóm ngân hàng quy mô lớn đã giảm về 4,75%, trong khi nhóm ngân hàng thương mại nhỏ là 5,08%.
Một ngân hàng có quy mô lớn khác là MB cũng điều chỉnh giảm thêm 0,2%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1-3 tháng xuống còn từ 2,6-2,9%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng từ 4-4,2%/năm.
Tương tự, KienLongBank điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn 6 và 9 tháng thêm 0,2%/năm xuống còn lần lượt là 5%/năm và 5,2%/năm. Với kỳ hạn từ 12 - 15 tháng, nhà băng này cũng điều chỉnh giảm, dao động từ 5,3-5,5%/năm; các kỳ hạn từ 18-36 tháng là 5,8%/năm.
Trong khi đó, PVCombank điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn từ 1-36 tháng thêm 0,3%/năm. Theo đó, PVComBank niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng hiện là 3,05%/năm, 6-11 tháng chỉ 5%/năm, 12 tháng chỉ 5,1%/năm và từ 18-36 tháng là 5,4%/năm.
Trước đó, Vietcombank gây bất ngờ cho thị trường khi tiếp tục phá kỷ lục lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên thấp nhất trên thị trường, giảm từ mức 4,8%/năm còn 4,7%/năm. Đồng thời, các kỳ hạn dưới 12 tháng cũng giảm 0,2%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng xuống còn 1,7%/năm; kỳ hạn 3 tháng còn 2%/năm và tiền gửi 6, 9 tháng còn 3%/năm.
Ngay sau đó, Agribank cũng giảm lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng từ 2,2%/năm xuống còn 2%/năm.
Tại 2 ngân hàng quốc doanh còn lại là BIDV và Vietinbank, lãi suất các kỳ hạn vẫn chưa có biến động. Cả 2 ngân hàng cùng niêm yết lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng ở mức 2,2%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 2,5%/năm; kỳ hạn từ 6-9 tháng là 3,5%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên dao động từ 5-5,3%/năm.
Tính đến ngày 16/1, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng tại nhóm ngân hàng quy mô lớn đã giảm về 4,75%, trong khi nhóm ngân hàng thương mại nhỏ là 5,08%.
Còn ở kỳ hạn 1-3 tháng, bình quân lãi suất huy động toàn hệ thống đã về mức 2,8%, giảm thêm 0,3 điểm phần trăm. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước về 2,2%, nhóm ngân hàng thương mại nhỏ là 3,42%.
Trong họp báo đầu năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng,... phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2024 của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3-0,4 điểm phần trăm trong quý I/2024 và giảm 0,2 điểm phần trăm trong cả năm 2024.
Thanh Hoa