Có cảng nước sâu, nằm ở khu vực giao thông đường bộ thuận lợi nhưng Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vẫn chưa phát triển như mong đợi
Cảng Chân Mây nằm ở Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau hơn một năm triển khai dịch vụ hàng container, 65 chuyến tàu đã cập cảng, xếp dỡ 110.640 tấn hàng hóa. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi triển khai dịch vụ này còn thấy rất mù mờ vì hàng container chưa từng xuất hiện trên cảng Chân Mây, song giờ có thể khẳng định đã bước đầu thành công.
Rất nhiều lợi thế
Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây, cho biết trung bình mỗi tháng, cảng này đón 4-5 chuyến tàu container với nguồn hàng khá đa dạng. Ngoài bia, gạch men, thạch anh, gạo, cao su, vật liệu xây dựng, bao bì… của địa phương, nguồn hàng còn đến từ Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam... và cao su từ Lào về.
"Trong năm 2024, chúng tôi sẽ thuyết phục hãng tàu mở tuyến hàng container quốc tế qua cảng Chân Mây. Cảng cũng sớm bổ sung công năng tiếp nhận, khai thác tàu container cho bến số 1, mở rộng kho bãi, đầu tư thêm thiết bị chuyên dụng phục vụ hàng container" - ông nói.
Ông Đặng Văn Vĩnh, Giám đốc tài chính Tập đoàn Scavi, cho rằng tỉnh Thừa Thiên - Huế có lợi thế khi sở hữu cảng nước sâu Chân Mây. Tuy nhiên, hiện tại, các hãng tàu quốc tế vào còn rất hạn chế nên việc xuất nhập khẩu hàng container của doanh nghiệp trong tỉnh và các địa phương lân cận qua cảng hầu như chưa có.
Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có cảng nước sâu, thuận lợi cho tàu du lịch hạng sang và tàu tải trọng lớn ra vào
Ông Vĩnh nhận xét trong điều kiện khởi động, khi lượng hàng hóa chưa nhiều và hãng tàu quốc tế còn đang tiếp cận để vào khai thác, cảng Chân Mây và tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có chính sách tốt hơn nhằm thu hút nhiều hãng tàu nội địa. Qua đó, các hãng tàu nội địa trở thành cầu nối liên kết trực tiếp với hãng tàu quốc tế, tiến hành trung chuyển container từ cảng Chân Mây và sang container qua tàu quốc tế tại cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng Hải Phòng… trước khi xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế qua các thời kỳ đều khẳng định KKT Chân Mây - Lăng Cô có rất nhiều lợi thế như: có cảng nước sâu, vị trí địa lý thuận lợi… để phát triển. Thừa Thiên - Huế đã nhiều lần tổ chức hội thảo, nhờ chuyên gia hiến kế nhưng đến nay KKT này vẫn chưa thể trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. KKT này cũng chưa thể trở thành đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp kỹ thuật cao...
Chân Mây - Lăng Cô vẫn còn thiếu các dự án mang tính động lực, đột phá; số lượng nhà đầu tư lớn, dự án FDI còn ít. Nhiều dự án sau khi được cấp phép đầu tư thì "xí phần" đất rồi "đắp chiếu", khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.
Nhận diện 6 nguyên nhân
Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng Ban Quản lý KKT-KCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhìn nhận có 6 nguyên nhân chủ yếu khiến KKT Chân Mây - Lăng Cô vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là hạ tầng kỹ thuật chưa được đồng bộ, hoàn thiện. Do nôn nóng trong việc mở cửa, trải "thảm đỏ" kêu gọi đầu tư giai đoạn KKT mới thành lập nên khâu thẩm định về năng lực triển khai dự án của nhà đầu tư chưa tốt, chưa chặt chẽ. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã được cấp phép nhưng không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để triển khai nên phải thu hồi dự án.
Mặt khác, theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, KKT Chân Mây - Lăng Cô sẽ là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường của KKT là yếu tố đặc biệt quan trọng mà tỉnh đã và đang thực hiện.
Để KKT Chân Mây - Lăng Cô trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược, ông Lê Văn Tuệ cho biết thời gian tới, Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT và các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt nhằm phù hợp với yêu cầu phát triển; lập, phê duyệt quy hoạch các phân khu chức năng.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý KKT-KCN sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Trong đó, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là hỗ trợ các dự án lớn, có tính động lực cho KKT Chân Mây - Lăng Cô phát triển.
Một trong 3 trung tâm động lực tăng trưởng
Ngày 30-12-2023, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, quần thể di tích, di sản cố đô Huế và KCN Phong Điền, KKT Chân Mây - Lăng Cô là 3 trung tâm động lực tăng trưởng của địa phương.
Cụ thể, cảng Chân Mây được xây dựng trở thành cảng container, cảng du lịch; là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; gắn với cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) và hệ thống đấu nối giao thông quốc gia với các đường bộ, trở thành trung tâm logistics xanh của vùng và quốc gia; cung cấp và sử dụng năng lượng sạch làm cơ sở hình thành đô thị Chân Mây và các khu chức năng trong KKT.
Ban Quản lý các KKT-KCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết sau hơn 15 năm thành lập, KKT Chân Mây - Lăng Cô đã thu hút được 56 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 81.221 tỉ đồng. Đến nay, 28 dự án đã đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 4.100 lao động.