Chiều 1/10, giá dầu tăng nhẹ tại châu Á, trước lo ngại căng thẳng Trung Đông có thể ảnh hưởng đến sản lượng từ khu vực này. Nhưng khả năng nguồn cung tăng và nhu cầu yếu đã hạn chế đà tăng của dầu.
Đà tăng của giá dầu có dấu hiêu chững lại. Ảnh: TTXVN
Vào lúc 13 giờ 15 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 12 tăng 13 xu Mỹ (0,18%), lên 71,83 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11 tăng 14 xu Mỹ (0,21%), lên 68,31 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu Brent đã khép lại tháng Chín với mức giảm 9%, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp và là mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2022. Giá dầu Brent đã giảm 17% trong quý III/2024, mức giảm theo quý lớn nhất trong một năm. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 7% trong tháng trước và giảm 16% trong quý III/2024.
Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường của công ty IG, cho biết giá dầu đang gặp nhiều lực cản, trong đó có khả năng nguồn cung gia tăng từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày vào tháng 12/2024.
Bên cạnh đó, nhu cầu dầu của Trung Quốc có khả năng vẫn yếu, thể hiện qua các số liệu về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) gần đây của nước này. Số liệu được công bố ngày 30/9 cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng Chín, khi các đơn đặt hàng mới trong và ngoài nước giảm tốc.
Tuy nhiên, ông Yeap cho rằng thị trường đã bớt nhạy cảm hơn với các số liệu yếu kém, với hy vọng rằng nhờ loạt biện pháp kích thích gần đây có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế. Giới phân tích cho rằng các biện pháp kích thích được công bố tuần trước có thể đủ để đưa tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Trung Quốc trở lại mức khoảng 5%.
Bên cạnh đó, thị trường “vàng đen” vẫn đang được nâng đỡ trước khả năng tình hình căng thẳng tại Trung Đông có thể gây gián đoạn nguồn cung từ khu vực này. Tuy nhiên, ông Yeap đánh giá khả năng này hiện tương đối thấp.
Link gốc