Trong 5 năm qua, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng lên nhanh chóng, nằm trong trong top đầu thế giới. Song, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (MSME) vẫn còn đối diện nhiều khó khăn trong tiếp cận và triển khai loại hình bán hàng này.
Đây là một trong những thông tin được các chuyên gia, DN thảo luận tại Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 với chủ đề "Thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt” được tổ chức sáng 26/11, tại Hà Nội.
Là một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thương hiệu Việt, bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển sáng tạo Đông Dương cho biết, thông qua TMĐT, doanh nghiệp và sản phẩm được tiếp cận nhanh hơn với khách hàng từ các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu... Tuy vậy, khi đưa sản phẩm ra thế giới, doanh nghiệp gặp khó khăn về niềm tin với khách hàng; thanh toán, bảo mật thông tin; logistics và chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, theo bà Tâm, những vấn đề khác như: Lệch múi giờ, ngôn ngữ, thị hiếu khách hàng… cũng là những trở ngại không nhỏ.
Được biết, chia sẻ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển sáng tạo Đông Dương hiện cũng đang là câu chuyện mà nhiều Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (MSME) khi xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử đang gặp phải.
Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn về niềm tin với khách hàng; thanh toán, bảo mật thông tin; logistics và chuỗi cung ứng.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho hay thương mại điện tử xuyên biên giới là xu hướng tất yếu khi quy mô toàn thế giới năm 2030 là 8.000 tỉ USD.
Trong đó Việt Nam có quy mô tăng trưởng thương mại điện tử nằm trong top đầu thế giới và Đông Nam Á với 20,5 tỉ USD vào năm 2023. Quy mô kinh tế số đạt 30 tỉ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á và năm 2025 dự kiến đạt 45 tỉ USD. Khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy, có 53% doanh nghiệp đã sử dụng sàn giao dịch qua thương mại điện tử và 47% sử dụng website và ứng dụng để giao dịch thương mại xuyên biên giới. Trong đó các thị trường giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới phổ biến của doanh nghiệp Việt Nam là Hàn Quốc với tỉ trọng 45%, Nhật Bản là 40% và Trung Quốc là 38%.
Bà Oanh đồng thời dẫn chứng số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước.
“Những con số này là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế”- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định.
Dù là kênh thương mại, xuất khẩu hàng hóa đầy tiềm năng, song bà Oanh thừa nhận các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đó là những hạn chế hiểu biết về quy định, pháp luật thị trường, thông tin thị trường sở tại, rào cản ngôn ngữ, thuế quan, logistics, thanh toán…; áp lực giữ chi phí logistics thấp và giao hàng đúng hạn, cùng rào cản ngôn ngữ khi phải tương tác trực tiếp với đối tác...
Do đó, bà Oanh khuyến nghị doanh nghiệp cần tham gia vào các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới uy tín, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng tại nước sở tại; đầu tư thương hiệu sản phẩm, nhận diện thương hiệu, nghiên cứu quy định về thương mại điện tử và thị trường…
Góp ý tại sự kiện, ông Liu Liang - Đại diện Sở Thương mại Vân Nam, Trung Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Vân Nam Trung Quốc cho biết, Việt Nam đã có sự phát triển đáng chú ý trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cùng đó là một lượng lớn người tiêu dùng trẻ, nhu cầu mua sắm trực tuyến quốc tế mạnh mẽ đã tạo mối quan hệ bổ trợ tự nhiên với thị trường Trung Quốc.
Các sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam như thanh long, hạt điều, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo và giày dép có tiềm năng rất lớn trên thị trường Trung Quốc. Trong tương lai, cùng với việc tối ưu hóa logistics và chính sách, thị phần của những sản phẩm này sẽ còn tiếp tục mở rộng.
Song theo ông Lưu, để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, các DN Việt Nam cần đẩy mạnh logistics và các hoạt động kèm theo.
“Việt Nam cần làm tốt hơn trong vận chuyển, khai báo hải quan, mạng viễn thông. Gắn với việc đào tạo nhân lực, tiếp cận khách hàng để nhanh chóng hiểu được nhu cầu khách hàng, phân tích đúng nhu cầu, đáp ứng được mọi mong muốn của khách hàng”... ông Lưu nói.
Tương tự, ông Jang Woo Sung, phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, cũng cho rằng chính sách của Việt Nam cần tập trung vào phát triển và nâng cao năng lực logistics, có nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Cùng đó là cần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa thị trường và bồi đắp nhiều kinh nghiệm làm việc, ứng dụng AI trong sự phát triển, kết nối và cơ hội thương mại điện tử xuyên biên giới. AI có nhiều lợi ích và sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp, cùng hợp lực kết nối để giải quyết mọi vấn đề...
Hồng Hương-Link gốc