• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 5:42:05 CH - Mở cửa
Kỳ vọng gì để ‘không gian’ thương mại bán lẻ ở Việt Nam được tối ưu hóa?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 06/11/2024 9:41:11 SA

Nhiều cơ hội chuyển mình mạnh mẽ được mở ra từ khả năng thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ hàng không của sân bay quốc tế Long Thành nói riêng và ngành vận tải hàng không nói chung, cho đến việc thí điểm trung tâm thương mại tự do ở Đà Nẵng, cũng như tương lai hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Qua đó được kỳ vọng giúp cho “không gian” thương mại bán lẻ ở Việt Nam ngày càng tối ưu hóa.

Chia sẻ tại diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không hàng đầu thế giới (The Trinity Forum 2024) tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 5/11, ông Trương Trung Thành - Phó giám đốc Phòng ORAT (quá trình chuẩn bị vận hành sân bay) Long Thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết sân bay quốc tế Long Thành dự kiến sau khi hoàn thành sẽ phục vụ tới 100 triệu lượt hành khách/năm. Và đây sẽ là “cây cầu” mời thế giới nhìn thấy “trái tim” của Việt Nam. 

Thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ hàng không

Ông Thành cùng với các vị giám đốc thương mại và bán lẻ của một số công trình sân bay lớn đang xây dựng với quy mô hàng đầu khu vực ở Ấn Độ (như hai sân bay quốc tế Noida và Navi Mumbai) và Australia (sân bay quốc tế Western Sydney) đã thảo luận về triển vọng, định hình tại các công trình sân bay mới này. Nhất là vấn đề tối ưu hóa trải nghiệm của người tiêu dùng trong hoạt động bán lẻ tại những sân bay thương mại mới có tham vọng đón lượng hành khách lớn trên thế giới, cũng như khai thác tối đa tiềm năng không gian thương mại trong sân bay.

Đang có những kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực bán lẻ hàng không ở Việt Nam trong thời gian tới từ hiệu ứng sân bay quốc tế Long Thành.

Giới chuyên gia cho rằng khi sân bay quốc tế Long Thành (được định hướng sẽ phục vụ tới 80% chuyến bay quốc tế và lượng chuyến bay nội địa chỉ chiếm 20%) đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ hàng không, bán lẻ du lịch hàng không, góp phần tối ưu hóa “không gian” thương mại bán lẻ tại Việt Nam. Đi kèm với đó, sân bay này sẽ phục vụ 1,2 triệu tấn hàng hóa vào năm 2026 và 5 triệu tấn hàng hóa sau khi kết thúc giai đoạn 3. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động bán lẻ ngày càng tăng.

Bên cạnh triển vọng thương mại của công trình sân bay nêu trên, theo Bộ phận phân tích thuộc Kirin Capital, ở Việt Nam, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không đang ngày càng nhận được sự quan tâm sát sao đến từ nhiều “tay chơi lớn” trong nước. Và lẽ dĩ nhiên, động lực lớn nhất để các nhà vận tải hàng hoá để ý đến chính là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong nước. Và lĩnh vực này sẽ là “chìa khóa” giúp cho thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam không chỉ phát triển ở trong nước mà có thể vươn tầm trong toàn khu vực Đông Nam Á.

Chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam về lĩnh vực bán lẻ hàng không với thực tế từ Qatar, ông Thabet Musleh, Giám đốc Bán lẻ và Khách sạn tại Qatar Airways, cho rằng việc hợp tác giữa hãng hàng không, sân bay và nhà bán lẻ sẽ tạo ra trải nghiệm liền mạch cho khách hàng. 

“Điều quan trọng là cần đưa ra các quyết định chiến lược dựa trên nền tảng dữ liệu chuyên sâu và theo thời gian thực về hành khách tại sân bay (như độ tuổi, quốc tịch, giới tính, tần suất đi lại, những gì họ đã mua, những cửa hàng họ đã đến và nơi họ đang bay đến). Nền tảng này cung cấp mọi thứ để cho phép mang lại những lợi ích thương mại tuyệt vời”, ông Musleh nói.

Không chỉ với lĩnh vực thương mại bán lẻ hàng không, để tối ưu hóa “không gian” bán lẻ ở Việt Nam vẫn đang kỳ vọng thêm vào việc triển khai một số mô hình mới. Chẳng hạn như việc thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do (FTZ) tại Đà Nẵng - một mô hình mới hoàn toàn và chưa có tiền lệ ở Việt Nam nhưng đã được nhiều nước áp dụng thành công. 

Về mô hình này, theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, đây là một cơ chế rất thành công trên thế giới, nhất là đối với những nước có ưu thế về cảng biển như Singapore có 9 khu thương mại tự do, Trung Quốc có 21, Philippines, Indonesia, Malaysia…Nếu Đà Nẵng triển khai thành công mô hình này thì có thể nhân rộng ở các thành phố, các địa phương có đặc điểm tương tự, có nhiều cảng kết nối với Khu thương mại tự do.

Cơ hội chuyển mình mạnh mẽ

Còn theo ông Nguyễn Duy Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cần tham khảo một số mô hình khu thương mại tự do trên thế giới theo mô hình “kiềng 3 chân”, lấy đòn bẩy logistics trong phát triển kinh tế, đó là: FTZ, cảng và sân bay trung chuyển, hành lang kinh tế.

Thực tế cho thấy với nhiều quốc gia phát triển đều xây dựng FTZ sau các cảng biển của họ như Châu Âu có Trung tâm khu thương mại tự do Rotterdam (Hà Lan) và Bremen (Đức)…; Châu Mỹ có Los Angeles, Boston, châu Á - Thái Bình Dương có Thượng Hải, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)…Theo ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, những nơi đó chẳng những là đầu mối của khu vực mà còn là trung tâm phân phối hàng hóa thế giới. 

Ông Hùng cho rằng với FTZ ở Đà Nẵng sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại, tạo ra chuỗi các sản phẩm dịch vụ cao cấp (du lịch, bán lẻ, vui chơi giải trí…) và đặc biệt là hấp dẫn cho du khách quốc tế.

Hoặc như việc triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng được xem như góp phần vào việc tối ưu cho thương mại bán lẻ ở Việt Nam. Ts. Majo George (Đại học RMIT) nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển mình mạnh mẽ với việc triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao này, sẽ mở ra những cơ hội kinh tế mới, tạo điều kiện cho thương mại nhanh hơn, giảm đáng kể phụ thuộc vào vận tải đường bộ chậm hơn, đồng thời tối ưu hóa chuỗi cung ứng. 

Theo Ts. George, mặc dù tốc độ 350km/h được đề xuất cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam là khá tham vọng nhưng cần thiết về mặt chiến lược. Đối với Việt Nam, đạt được tốc độ này còn là bước quan trọng trong việc tăng cường kết nối giữa các trung tâm kinh tế quan trọng như Hà Nội, Tp.HCM  và Đà Nẵng, đồng thời thúc đẩy liên kết quốc tế tại các địa phương ở vùng biên giới.

Cũng theo vị chuyên gia của RMIT, những ý kiến phản biện có thể cho rằng 350km/h là quá cao, đặc biệt là đối với vận tải hàng hóa, nhưng nhu cầu ngày càng tăng của dịch vụ logistics hiện đại lại cho thấy một câu chuyện khác. Bên cạnh đó, khả năng cung cấp các giải pháp vận tải nhanh chóng, đáng tin cậy trên toàn quốc cũng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Thị trường toàn cầu ngày càng được thúc đẩy bởi tốc độ và tính hiệu quả, đặc biệt là đối với hàng hóa có giá trị cao và nhạy cảm với thời gian. Việt Nam có thể tận dụng động lực này bằng cách tích hợp các dịch vụ vận tải hàng hóa nhẹ tốc độ cao vào hệ thống đường sắt của mình, như ví dụ từ mạng lưới “tàu viên đạn” Shinkansen của Nhật Bản. Cách tiếp cận này sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giao hàng nhanh chóng và định vị Việt Nam là một đối thủ cạnh tranh nặng ký trong thị trường logistics toàn cầu”, ông George nói.

Thế Vinh-Link gốc