• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 9:16:27 SA - Mở cửa
Ngành gạo cần làm gì trước nỗi lo 'miếng bánh' thị phần nhỏ lại?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 02/12/2024 8:10:00 SA

Dù kim ngạch xuất khẩu gạo 10 tháng đã vượt cả năm 2023 và dự báo năm 2024 sẽ cán mốc hơn 5 tỷ USD. Song, để giữ giá gạo cũng như thị phần xuất khẩu trong thời gian tới, ngành lúa gạo Việt Nam cần chủ động phương án sản xuất và tiêu thụ phù hợp.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu gạo 10 tháng đã vượt cả năm 2023 và dự báo sẽ cán mốc hơn 5 tỷ USD cả năm 2024.

Thuận lợi nhiều, khó khăn cũng không ít

Theo đó, Philippines, Indonesia, Malaysia… vẫn là những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Theo Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành, Việt Nam hiện đang giữ vững ngôi đầu xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, từ đầu năm 2024 đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam tương đối thuận lợi do vẫn được hưởng lợi từ yếu tố nguồn cung khi Ấn Độ chưa gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati.

Để giữ giá gạo cũng như thị phần xuất khẩu trong thời gian tới, ngành lúa gạo Việt Nam cần chủ động phương án sản xuất và tiêu thụ phù hợp.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, Ấn Độ liên tiếp có các động thái nới lỏng xuất khẩu khi cuối tháng 9 chính thức gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati, kèm điều kiện giá sàn xuất khẩu là 490 USD/tấn. Đến cuối tháng 10, Ấn Độ lại thông báo sửa đổi chính sách xuất khẩu gạo phi basmati, bãi bỏ quy định giá xuất khẩu tối thiểu 490 USD/tấn. Ngay sau đó, giá gạo xuất khẩu của các quốc gia đều sụt giảm nhanh chóng. Điều này đang dấy lên lo ngại cho nhiều quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, mới đây, trước thông tin Indonesia - thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, có thể sẽ không nhập khẩu gạo vào năm 2025 khiến giới chuyên môn lo ngại câu chuyện xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ thêm phần khó tại thị trường trọng điểm này.

Theo Reuters, ông Zulkifli Hasan - Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Lương thực Indonesia cho biết, quốc gia này có thể không nhập khẩu gạo vào năm 2025. Số liệu từ Cục Thống kê Indonesia cho biết, sản lượng gạo của nước này ước tính giảm 2,43% trong năm nay xuống 30,34 triệu tấn do thời tiết khô hạn khiến việc trồng trọt và thu hoạch chậm lại.

Thực tế, lượng gạo nhập khẩu của Indonesia đã tăng vọt trong 2 năm qua, đạt hơn 3 triệu tấn/năm. Và năm nay nước này đặt mục tiêu nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo. Song song với đó, Indonesia cũng có kế hoạch mở rộng từ 750.000 đến 1 triệu ha đất trồng lúa vào năm 2025 nhằm đạt mục tiêu tự chủ lương thực mà Tổng thống Prabowo Subianto đề ra.

Qua đó, ông Zulkifli Hasan nhận định, năm sau nếu cần nhập khẩu thì có thể Indonesia sẽ chỉ nhập một lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung. Đồng thời, số lượng gạo phân bổ của năm nay chưa thực hiện xong sẽ được chuyển vào năm sau.

Cần những giải pháp phù hợp

Trước bối cảnh này, giới chuyên gia cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam cần sớm tính các phương án sản xuất và kinh doanh phù hợp trong cuối năm 2024 và nhất là đầu năm 2025. Về thị trường xuất khẩu, một mặt vẫn chú trọng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Philippines, Indonesia… mặt khác, cần mở rộng đa dạng thị trường để tránh rui ro.

Đối với thị trường Philippines, Thương vụ Việt Nam tại Philippines, dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines cả năm 2024 sẽ ở mức hơn 4 triệu tấn, có thể đạt 4,5 triệu tấn, cao hơn rất nhiều so với mức 3,61 triệu tấn của năm 2023.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) dự báo, sản lượng gạo toàn cầu niên khóa 2024/2025 đạt 539,2 triệu tấn, tăng so với dự báo trước đó là 536,9 triệu tấn. Dự báo, dự trữ gạo toàn cầu niên khóa 2024/2025 đạt mức kỷ lục 206,9 triệu tấn, tăng so với dự báo trước đó là 204,8 triệu tấn và tăng so với ước tính 199 triệu tấn trong niên khóa 2023/2024.

Tại thị trường Philippines, các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam cần tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân Philippines trên nhiều phân khúc khác nhau để xây dựng các vùng nguyên liệu lúa và sản xuất các sản phẩm gạo đáp ứng được nhu cầu, đặc tính và đòi hỏi riêng của thị trường này với chất lượng ổn định, giá thành phù hợp và bảo đảm nguồn cung lâu dài.

Theo ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, để ứng phó với những khó khăn và rủi ro có thể gặp, doanh nghiệp nên tính toán số lượng tồn kho, bảo đảm dự trữ theo quy định nhưng cũng tránh "ôm hàng" quá lớn sẽ gây thua lỗ. Đồng thời, cần chủ động đa dạng hóa thị trường, chủng loại gạo xuất khẩu, không chỉ tập trung vào các thị trường châu Á như Philippines, Indonesia, Trung Quốc... và châu Phi, mà cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, như châu Âu, Mỹ, Trung Đông,...

Đơn cử, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) được ký kết mới đây sẽ mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam nói chung và gạo Việt Nam nói riêng thâm nhập vào thị trường Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất và các nước tại khu vực Trung Đông cũng như các thị trường khác ở Tây Á và châu Phi.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các địa phương cần tập trung sản xuất các loại gạo chất lượng, giá bán cao được thị trường ưa chuộng như các loại gạo thơm, gạo đặc sản… Trong đó, quan tâm tập trung nguồn lực cho việc triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, để đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Điều này vừa phù hợp xu thế tiêu dùng mới của nhiều quốc gia trên thế giới, vừa tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn nữa cho hạt gạo Việt Nam.

Hồng Hương-Link gốc