Dù nằm trong nhóm ba nước đứng đầu toàn cầu về xuất khẩu gạo, với nhiều tiềm năng trên thị trường quốc tế, song để phát triển hơn nữa gạo Việt cần định hình lại chiến lược xây dựng thương hiệu.
Đặc biệt, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng thương hiệu gạo cần đồng bộ giữa sản phẩm tốt; doanh nghiệp tốt, tham gia quy mô lớn để gắn kết thành thương hiệu lớn.
Dù chưa đạt vị thế có thể chi phối giá cả trên thị trường quốc tế, thế nhưng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) vẫn đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đóng góp lớn cho an ninh lương thực toàn cầu. Thành tựu này một lần nữa được khẳng định qua kết quả xuất khẩu gạo năm 2024 khi 11 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt kỷ lục mới với tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gần 8,5 triệu tấn, mang về khoảng 5,31 tỷ USD. Con số này tăng 10,6% về sản lượng và 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đóng góp lớn cho an ninh lương thực toàn cầu.
Với vị thế mới này, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh sự cần thiết của việc định hình lại chiến lược xây dựng thương hiệu gạo. Theo đó, các doanh nghiệp cần khẳng định rõ “bản sắc” riêng cho sản phẩm, tập trung vào việc duy trì chất lượng ổn định và xây dựng lòng tin nơi người tiêu dùng. Đây mới thực sự là nền tảng cho việc xây dựng thương hiệu bền vững.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, xây dựng thương hiệu gạo cần đồng bộ, gồm: sản phẩm tốt; doanh nghiệp tốt, tham gia quy mô lớn và có hệ sinh thái để gắn kết thành thương hiệu lớn.
"Cần có sự định hướng phát triển lâu dài, bên cạnh đó cập nhật lại cho phù hợp với xu thế mới, nhất là các chương trình giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, thương hiệu cũng phải phát triển theo hướng đó" - Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp gạo Việt Nam đã đạt được thành công trong việc tạo dựng thương hiệu và xây dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Điển hình là thương hiệu gạo ST25 của anh hùng lao động Hồ Quang Cua, từng giành danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới,” mang lại niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Thành công này cũng là bàn đạp để ngành gạo Việt Nam nâng cao giá trị và khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, hiện gạo cao cấp và gạo thơm chiếm khoảng 50% phân khúc gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đây là định hướng được ngành lúa gạo đề ra trong nhiều năm nay với mục tiêu không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng nhằm tăng giá trị xuất khẩu. Song, thực tế cho thấy, chúng ta vẫn thiếu vắng các thương hiệu gạo Việt trên kệ bán lẻ thế giới.
Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho hay: "Chúng ta muốn có thương hiệu thành công thì phải sản xuất ra các loại lúa gạo để đáp ứng được khẩu vị của tất cả các phân khúc của những châu lục ở trên thế giới, phải sản xuất theo yêu cầu của họ. Tức là chúng ta sản xuất theo tín hiệu của thị trường".
Mặt khác, xây dựng thương hiệu gạo cần xây dựng tổng thể sức mạnh cạnh tranh của ngành hàng ở phạm vi quốc tế. Tất cả dựa trên giống lúa tốt, chất lượng hạt gạo tốt.
Do đó, TS.Trần Khắc Tâm cho rằng, để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế cần có sự hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân. Việc hợp tác này làm sao cho tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.
Đặc biệt, các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gạo cần đồng loạt vào cuộc. Đầu tiên là nâng diện tích sản xuất lúa chất lượng, sau đó đầu tư về hình ảnh để marketing cho thương hiệu gạo Việt Nam tốt hơn. "Chúng ta cần đầu tư về chất lượng vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu lớn được canh tác theo tiêu chuẩn cao, sản xuất khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn...", TS. Trần Khắc Tâm nói.
Hồng Hương-Link gốc