Nhiều chuyên gia cho rằng nếu FED càng trì hoãn cắt giảm lãi suất quá lâu, sẽ càng có nguy cơ mắc sai lầm chính sách. Điều này sẽ tác động tích cực cho giá vàng.
FED đang khá thận trọng về việc cắt giảm lãi suất.
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã tăng nhẹ từ mức 2.011 USD/oz lên mức 2.041 USD/oz, sau đó đóng cửa tuần ở mức 2.035 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC theo niêm yết của tập đoàn DOJI cũng tăng từ mức 77,5 triệu đồng/lượng lên mức 78,9 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giao dịch vẫn khá trầm lắng.
Thị trường vàng quốc tế đang gặp khó khăn khi kỳ vọng về việc FED bắt đầu giảm lãi suất tiếp tục bị đẩy lùi. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu FED càng lùi thời điểm giảm lãi suất trong năm nay, thì càng có nguy cơ mắc sai lầm chính sách. Điều này cuối cùng có thể sẽ tác động tích cực đến giá vàng.
Sở dĩ các chuyên gia đưa ra nhận định nói trên là do kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi, nếu FED vẫn giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian quá dài, sẽ có nguy cơ làm mất đà tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trong khi đó, dù số liệu lạm phát Mỹ được công bố vừa qua cao hơn dự kiến, nhưng đã giảm đáng kể so với mức đỉnh cao vào năm 2022. Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc đang suy giảm mạnh, nên quốc gia này có thể sẽ tìm cách xuất khẩu giảm phát ra toàn thế giới. Điều này cũng có thể góp phần làm giảm áp lực lạm phát đối với kinh tế Mỹ…
Ông Nitesh Shah, Giám đốc Nghiên cứu hàng hóa và kinh tế vĩ mô tại WisdomTree, cho biết: “Trong vài năm qua, Trung Quốc đã sản xuất rất nhiều tấm pin mặt trời, ô tô điện và nhiều hàng hoá khác. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nước này sẽ phải tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng này để hỗ trợ nền kinh tế của mình. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến rất nhiều hàng hóa giá rẻ trên thị trường toàn cầu do Trung Quốc bán phá giá, điều này sẽ dẫn đến giảm phát.”
“Thị trường đang đánh giá tình hình kinh tế Mỹ có vẻ tốt hơn một chút so với FED vì FED tập trung quá nhiều vào các vấn đề lạm phát từ phía cung. Nếu FED “giữ phanh” lãi suất quá lâu, có thể đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ”, ông Nitesh Shah nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Nitesh Shah cũng cảnh báo, lạm phát vẫn là một mối đe dọa dài hạn đối với Mỹ khi nợ chính phủ tiếp tục tăng và xu hướng phi toàn cầu hóa đang gia tăng. “Nợ chính phủ ngày càng tăng, sẽ tạo ra lạm phát dài hạn. Điều này chỉ làm tăng thêm nguy cơ FED sẽ mắc sai lầm chính sách vào một thời điểm nào đó và về dài hạn giá vàng sẽ tăng mạnh vì điều này”, ông Nitesh Shah nhấn mạnh.
Giá vàng có thể tiếp tục điều chỉnh, tích luỹ trong ngắn hạn.
Trên thực tế, kinh tế Mỹ cũng đang có tín hiệu tích cực khi tăng trưởng kinh tế liên tục phục hồi, trong khi lạm phát giảm dần. Theo 34 chuyên gia kinh tế hàng đầu được Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia khảo sát, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 2,1% trong quý 1/2024, tăng so với dự đoán 0,8% trong cuộc khảo sát trước. Trong năm 2024, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 2,4%. Về mặt việc làm, các chuyên gia dự báo số lượng việc làm phi nông nghiệp trung bình hành tháng của Mỹ khoảng 190.000 việc làm trong năm 2024, tăng so với ước tính trước đó là 120.000 việc làm. Về lạm phát, PCE cơ bản năm 2024- chỉ số lạm phát ưa thích của FED, sẽ ở mức 2,1%, giảm so với dự đoán trước đó là 2,4%.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, dự báo với tình hình kinh tế Mỹ như hiện nay, FED có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 6 tới. Từ nay tới lúc đó, giá vàng sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích luỹ và sẽ tăng mạnh khi gần tới thời điểm đó. “Mức 1.974 USD/oz sẽ là mức hỗ trợ quan trọng của giá vàng trong ngắn hạn; nếu không giữ vững trên mức này, thì giá vàng có thể sẽ còn điều chỉnh xuống 1.887 USD/oz trước khi tăng trở lại”, ông Colin nhấn mạnh và nhận định giá vàng có thể sẽ tăng vượt mức 2.144 USD/oz được thiết lập vào đầu tháng 12/2023 khi FED liên tục cắt giảm lãi suất.
Ngọc Anh