Trong tháng 2, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục giảm 0,24% so với tháng 1 và 3,9% so với cùng kỳ năm 2023, đang ở mức thấp nhất trong 20 năm qua. Tuy nhiên, trong tháng 2, một số ngân hàng đã tăng nhẹ lãi suất. Các chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng đây là tín hiệu sớm cho thấy lãi suất huy động đã gần chạm “đáy”.
Tại báo cáo vĩ mô tiền tệ tháng 3 vừa được công bố, các chuyên gia WiGroup nhận định trong tháng 2, thị trường tiền tệ mở khá trầm lắng, việc bơm hút tiền không nhiều, trái ngược với cùng kỳ năm trước.
Lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh trong tuần trước và sau Tết Nguyên đán, sau đó có xu hướng giảm dần về cuối tháng. Cùng với đó, doanh số giao dịch liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm 26% so với tháng trước.
Lãi suất bật tăng ở một số ngân hàng được coi là tín hiệu sớm cho thấy lãi suất huy động đã chạm “đáy”.
Điều này cho thấy lãi suất bật tăng trong tháng chỉ do yếu tố mùa vụ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang duy trì dồi dào tạo điều kiện cho lãi suất liên ngân hàng sắp tới sẽ giảm về vùng thấp.
Trên thị trường 1, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục giảm 0,24% so với tháng 1 và 3,9% so với cùng kỳ năm 2023, đang ở mức thấp nhất trong 20 năm qua.
Xét về kỳ hạn, trong tháng 2 có ghi nhận một số ngân hàng tăng lãi suất nhẹ ở các kỳ hạn ngắn để thu hút thêm tiền gửi sau dịp Tết Nguyên đán. Trong khi đó, một số ngân hàng khác vẫn duy trì mức lãi suất thấp, đặc biệt là nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước do nguồn vốn của hệ thống dồi dào.
Việc một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất ở kỳ hạn ngắn cùng với lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh cho thấy nhu cầu vốn là có nhưng chỉ là ngắn hạn, cục bộ ở một số ngân hàng. Tuy nhiên, WiGroup cho rằng không loại trừ khả năng đây là tín hiệu sớm cho thấy lãi suất huy động đã gần chạm “đáy”.
“Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, bất động sản vẫn còn nhiều bất ổn thì tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh lựa chọn ưu tiên của người có tiền nhàn rỗi. Chi phí huy động vốn thấp và tăng trưởng tín dụng thấp giúp các ngân hàng có nhiều room cho việc duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế”, báo cáo của WiGroup nhận định.
Tăng trưởng tín dụng tăng nhanh đột biến trong tháng 12/2023 đã khiến mức tăng trưởng tín dụng tháng 1/2024 giảm 0,6% so với tháng trước và vẫn chưa cải thiện đến giữa tháng 2. Báo cáo cho rằng, sự cải thiện trong hoạt động xuất nhập khẩu sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, do nhu cầu vay từ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước vẫn yếu, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong quý I sẽ gặp nhiều khó khăn.
Về tỷ giá trong tháng 2 đã ghi nhận những áp lực đáng kể. Tỷ giá ở thị trường tự do đã tăng 1,72% trong tháng, vượt mức tỷ giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, tỷ giá ở các ngân hàng thương mại cũng tăng 0,9% so với tháng 1 liền kề.
Những áp lực tỷ giá, theo đánh giá của WiGroup, là vẫn còn, đến từ các yếu tố như: chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền tệ chủ chốt) có triển vọng tăng giá ngắn hạn do những dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố và sự ổn định của lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm, và triển vọng kinh tế Mỹ chưa thực sự rõ ràng. Dù vậy, áp lực tỷ giá có thể được kiểm soát bởi dòng vốn FDI tích cực, kiều hối dồi dào, và cán cân thương mại trong 2 tháng đầu năm 2024 duy trì ổn định.
Thanh Hoa