Với động thái hạ lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn, Agribank trở thành ngân hàng trong nhóm Big4 có lãi suất tiết kiệm thấp nhất hiện tại.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ngày 15/3 đã có động thái hạ tiếp lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tại Agribank giảm từ 1,7%/năm xuống 1,6%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 2%/năm xuống 1,9%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất được giữ nguyên ở mức 3%/năm. Trong khi đó, với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất đã giảm từ 0,1 đến 0,2 điểm %. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng đã giảm 0,1% xuống 4,7%năm. Trong khi lãi suất kỳ hạn 24 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,7%.
Như vậy, sau lần điều chỉnh này, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của Agribank đang thấp hơn 0,1% so với Vietcombank và 0,1% - 0,3% so với Vietinbank và BIDV ở tuỳ kỳ hạn. Đối với kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động của Agribank đang ở mức ngang bằng với Vietcombank.
Cụ thể, Vietcombank đang niêm yết mức lãi suất 1,7% với kỳ hạn 1 tháng, 2% với kỳ hạn 3 tháng. Kỳ hạn 6-9 tháng được ngân hàng này giữ ở mức 3% và kỳ hạn 12-24 tháng là 4,7%/năm.
Còn Vietinbank và BIDV cùng đang niêm yết mức lãi suất giống nhau ở kỳ hạn 12-24 tháng là 4,8%/năm. Đối với kỳ hạn 6 - 9 tháng, lãi suất tại Vietinbank và BIDV lần lượt là 3,2% và 3,3%/năm.
Ở các kỳ hạn thấp hơn, Vietinbank niêm yết mức lãi suất 1,9%/năm với kỳ hạn 1 tháng, 2,2%/năm với kỳ hạn 3 tháng. Còn BIDV niêm yết mức 2%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và 2,3%/năm cho kỳ hạn 3 tháng.
Lãi suất tại các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối đang niêm yết ở mức thấp nhất thị trường hiện nay, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm sụt giảm so với cuối 2023.
Tại hội nghị hôm 14/3, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, cho biết, ngân hàng này vẫn đang tích cực triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, tín dụng vẫn có xu hướng giảm và đối với Agribank thì nó còn giảm hơn mức bình quân của cả hệ thống.
Đại diện Agribank lý giải, đây cũng là tính đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp khi khách hàng bán hàng phục vụ dịp Tết, có tiền trả nợ thậm chí còn gửi lại ngân hàng và chưa đến vụ gieo trồng mới chưa có nhu cầu vay vốn để mua giống phân bón thuốc bảo vệ thực vật,…
Ngoài ra thì do sức cầu yếu cả trong nước và ngoài nước thì người dân thận trọng thật chặt chi tiêu cũng ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, từ đó tín dụng không có cơ hội để tăng trưởng nhanh. Mặt khác, đâu đó còn những nguyên nhân chủ quan như thủ tục cho vay thiếu cởi mở, mạnh dạn hoặc là yêu cầu về tài sản đảm bảo nhưng đó có lẽ không phải là nguyên nhân trọng yếu.
Thu Trang