Chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng thương mại vẫn phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Tất nhiên, việc giảm lãi suất là quyền của các ngân hàng thương mại, nhưng các chuyên gia cho rằng ngân hàng không thể để chênh lệch quá lớn giữa lãi suất đầu vào với lãi suất đầu ra.
Lãi suất tiền gửi được điều chỉnh tăng cục bộ ở một vài kỳ hạn nhưng xu hướng giảm vẫn áp đảo. Đáng chú ý, lãi suất huy động của nhóm Big 4 đã lùi về mức dưới 5%/năm, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới.
Lãi suất tiết kiệm chưa dứt đà giảm
Hiện, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank đang chiếm khoảng 45% thị phần tiền gửi toàn hệ thống. Số liệu mới nhất được công bố cho thấy, số dư tiền gửi khách hàng đến cuối năm ngoái của Agribank đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng, BIDV là 1,704 triệu tỷ đồng, VietinBank là 1,411 triệu tỷ đồng và Vietcombank là 1,396 triệu tỷ đồng.
"Với việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống, việc đều hạ lãi suất huy động xuống dưới 5%/năm - mức thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây của nhóm Big 4 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới", một chuyên gia đánh giá.
Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân cho kỳ hạn không quá 12 tháng là 5,3%, giảm 0,4% so với tháng trước.
Theo ghi nhận của VnBusiness, trong một tháng qua, có 23 nhà băng giảm lãi suất tại hầu hết các kỳ hạn. Trong ngày 22/3, có 3 nhà băng điều chỉnh giảm lãi suất. Cụ thể, CBBank giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất tại tất cả các kỳ hạn tiền gửi. Đây là lần đầu tiên trong tháng 3, CBBank thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trước đó, ngân hàng này đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất trong tháng 2.
OceanBank cũng lần đầu tiên sau 2 tháng đã giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,2-0,5 điểm phần trăm đối với tất cả các kỳ hạn.
Tương tự, TPBank cũng lần đầu tiên có động thái giảm lãi suất huy động sau 2 tháng, với mức giảm từ 0,1 – 0,2 điểm phần trăm, cho kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng. Lãi suất các kỳ hạn 18, 24, 36 tháng được giữ nguyên, lần lượt là 5%/năm, 5,1%/năm và 5,2%/năm.
Trước đó, một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn ngắn như Sacombank (kỳ hạn 1-3 tháng), BacABank (12 tháng), SaigonBank (9-12 tháng).
Lãi suất trên thị trường hiện nay cao nhất cho khoản tiền gửi không quá 12 tháng là 5,3%/năm, giảm 0,4% so với tháng trước. Với các kỳ hạn ngắn hơn như 9 tháng, lãi suất phổ biến từ 3% - 4,8%/năm; 6 tháng dao động 2-4,7%/năm.
Nếu muốn hưởng lãi cao hơn, khách hàng có thể gửi các kỳ hạn dài như 13-24 tháng, lên tới 5,8% tại VietABank, OCB, HDBank, MB, NamABank, Sacombank, Saigonbank, LPBank hay BaoVietBank.
Đà giảm lãi suất tiết kiệm đã kéo dài suốt một năm qua, bắt đầu từ tháng 3/2023. Lãnh đạo các ngân hàng và giới phân tích nhận định mặt bằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm nay, sau đó có thể đảo chiều tăng nhẹ khi nhu cầu tín dụng đi lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất khó quay lại mức cao như giai đoạn năm 2022.
Lãnh đạo một nhà băng cho biết họ thậm chí phải đưa lãi suất cho vay ngắn hạn về 4%/năm, thấp hơn lãi tiền gửi, để "đẩy" tiền ra khỏi ngân hàng.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý I và khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024.
"Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 25 – 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25% - 5,5% trong năm 2024", MBS nêu.
Cách nào đề giảm lãi vay?
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét: Lãi suất huy động giảm tương đối nhanh và có thể coi là đã chạm đáy, nhưng lãi suất cho vay còn dư địa có thể giảm nữa.
“Nếu trong quý II hoặc đầu quý III, tín dụng tăng mạnh thì mặt bằng lãi suất huy động có thể nhích lên dần”, ông Phước dự báo.
Lãi suất huy động đang ở mức đáy là dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo ông Phước, cách tiếp cận về lãi suất cho vay không nên theo hướng từ góc nhìn nợ xấu. Vì bản chất của lãi suất cho vay đã chứa đựng việc bù đắp các rủi ro cho những khoản tín dụng mới. Nôm na là: nợ xấu là từ chất lượng kém của các khoản vay quá khứ; lãi suất cho vay là lượng định rủi ro của các khoản vay tương lai.
“Ở đây, khi nhận định lãi suất vẫn còn cao là tôi muốn so sánh với lạm phát. Hiện nay, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại ở mức rất thấp. Lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 3,25%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là 4,5%. Và lãi suất huy động hiện nay là 3,5 - 5% cho kỳ hạn 6 tháng, còn 12 tháng chỉ có 4,5 - 5,4%, so với lạm phát kỳ vọng là 4% thì chênh lệch là rất nhỏ”, ông Phước nói.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh tiếp cận tín dụng còn khó khăn và lãi suất cho vay còn cao. “Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm, nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại đang còn cao”, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất nông sản than thở.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành ngân hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới.
Đồng thời, tăng tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính. Tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực. Giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau"…
Huyền Anh