Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 33,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, tính đến hết tháng 2/2024, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 934,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Các doanh nghiệp đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 780,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, trong năm 2023, theo số liệu từ Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm giảm nhẹ 8% so với năm 2022. Số liệu này cho thấy thị trường bảo hiểm đã phần nào ổn định trở lại sau hàng loạt lùm xùm, khủng hoảng trong năm ngoái.
Sau những lùm xùm này, Bộ Tài chính đã tăng cường hoạt động thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong năm 2023, đã có 10 doanh nghiệp bảo hiểm bị thanh tra và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra thêm 6 doanh nghiệp trong năm 2024.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã giao Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó gồm hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP cùng liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 80/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 102/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số… theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo Bộ.
Đồng thời, theo dõi tiến độ xây dựng chính sách bảo hiểm theo Nghị định sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm còn được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình tài chính, tình hình hoạt động của từng doanh nghiệp bảo hiểm; tăng cường giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quản lý chất lượng đại lý.