• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,83 -1,38/-0,11%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,83   -1,38/-0,11%  |   HNX-INDEX   225,29   -0,03/-0,02%  |   UPCOM-INDEX   92,44   0,00/0,00%  |   VN30   1.309,18   +0,35/+0,03%  |   HNX30   482,13   +0,21/+0,04%
04 Tháng Mười Hai 2024 12:48:02 SA - Mở cửa
Cổ phiếu hàng không có nhiều động lực để ‘cất cánh’
Nguồn tin: Thời báo Kinh doanh | 06/03/2024 1:35:00 CH
Đón nhận nhiều tin vui trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu hàng không đang có dấu hiệu tích cực trở lại, nhất là cổ phiếu của “ông lớn” Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Dự báo năm 2024, nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục "bay cao".
 
Năm 2023, cổ phiếu ngành hàng không ghi nhận mức giảm 18%. Trong đó, cổ phiếu ghi nhận mức giảm điểm nhiều nhất là ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (-25%), tiếp đến là HVN (Vietnam Airlines) giảm 12%, AST (Taseco) giảm 11%, còn VJC (Vietjet) đi ngang. Ngược chiều, cổ phiếu có diễn biến tích cực nhất là SGN của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (+20%).
 
“Gã khổng lồ” lên đỉnh
 
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, nhóm cổ phiếu hàng không bắt đầu có dấu hiệu tích cực dần. Trong đó, cổ phiếu ACV đã tăng hơn 30%, qua đó leo lên vùng giá cao nhất trong vòng 15 tháng kể từ đầu tháng 12/2022.
 
Giá trị vốn hóa của ACV cũng theo đó tăng thêm gần 44.000 tỷ (~2 tỷ USD), lên trên 188.000 tỷ đồng (~7,7 tỷ USD), đưa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách các doanh nghiệp lớn nhất toàn sàn chứng khoán.
 
 
​​​​​​​
 
Đáng chú ý, trong phiên 4/3 thị trường giằng co, cổ phiếu HVN trở thành điểm nhấn khi tăng kịch trần lên 13.600 đồng/cp – mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong 9 tháng qua. Cùng với đó, thanh khoản của HVN cũng nhanh chóng bùng nổ với 3,7 triệu cổ phiếu được "sang tay", cao hơn gấp nhiều lần so với mức bình quân khoảng 500 nghìn đơn vị khớp lệnh mỗi phiên. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 7/2023.
 
Bên cạnh đó, cổ phiếu VJC cũng tăng nhẹ 0,3% lên 103.600 đồng/cp, cổ phiếu AST lên 57.900 đồng/cp, NCT (Dịch vụ hàng hóa Nội Bài) lên 91.000 đồng/cp…
 
Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu hàng không xuất hiện sau khi đón nhận nhiều tin vui trong thời gian qua. Theo đó, kể từ ngày 1/3, Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 của Bộ Giao thông Vận tải về việc thay đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa chính thức có hiệu lực. Theo đó, sẽ điều chỉnh giá trần trên các đường bay nội địa tăng thêm 5% so với mức trước đây. Việc điều chỉnh này giúp các hãng hàng không bù đắp chi phí đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu và tỷ giá tăng mạnh trong 10 năm qua.
 
Thêm vào đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng Covid-19 giai đoạn 2021-2026.
 
Không chỉ vậy, trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành hàng không cũng phục hồi đáng kể trong năm 2023, khi các đường bay nhộn nhịp trở lại, những doanh nghiệp hàng không và dịch vụ phụ trợ như cung cấp suất ăn, bán hàng miễn thuế cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
 
Chẳng hạn, Vietjet công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với nhiều điểm sáng khi mang về gần 18.800 tỷ đồng doanh thu hợp nhất. Lũy kế cả năm 2023, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 62.535 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tương ứng thu về gần 344 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 2.262 tỷ đồng trong năm 2022.
 
Mạnh mẽ hơn cả là “ông lớn” Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam với khoản lợi nhuận cao kỷ lục hơn 8.571 tỷ đồng, tăng 18,4% so với mức thực hiện năm 2022. Không chỉ quay trở lại mức lợi nhuận trước dịch Covid-19, doanh nghiệp này còn xô đổ mọi kỷ lục lợi nhuận của những năm trước.
 
Không chỉ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hay các hãng bay, các doanh nghiệp dịch vụ hàng không cũng đua nhau khoe lãi tăng trưởng từ vài chục đến vài trăm phần trăm so với cùng kỳ.
 
Mặc dù Vietnam Airlines báo lỗ gộp 189,3 tỷ đồng trong quý IV, nhưng con số này cũng đã cải thiện tích cực so với khoản lỗ gộp 1.077 tỷ đồng cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuần tăng 23,5% so với cùng kỳ, đạt 23.830 tỷ đồng.
 
Kỳ vọng tiếp tục phục hồi trong năm 2024
 
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất với tốc độ 4,5%/năm đến năm 2050 xét về lượng hành khách, và Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
 
Cục Hàng không Việt Nam dự báo ngành hàng không sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2024, trong xu hướng chung của thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cơ quan này cho biết, nhu cầu vận chuyển hành khách năm 2024 dự kiến hơn 84 triệu lượt, tăng 15% so với năm 2023 và 6% so với năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19. Trong đó, khách nội địa dự kiến tăng trên 3%, đạt khoảng 41,5 triệu lượt; khách quốc tế gần 43 triệu lượt, tăng 16% so với năm ngoái.
 
Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng thương gia, nhà hàng khách sạn tại sân bay cũng phát triển tốt do đời sống người dân đang ngày một cao.
 
Gần đây, Trung Quốc cũng bắt đầu mở cửa, khách du lịch bắt đầu tăng trở lại, được đánh giá là tín hiệu đáng mừng cho ngành hàng không. 
 
Ngoài ra, một động lực khác của ngành hàng không, theo SSI Research, là đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2015 về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để cho phép các doanh nghiệp có hơn 50% vốn nhà nước có thể trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, cũng như cho phép thoái vốn tại các doanh nghiệp thua lỗ và có lỗ lũy kế.
 
Các chuyên gia của SSI cho rằng, các thay đổi này là điểm tích cực cho ngành hàng không, cho phép các doanh nghiệp có vốn nhà nước như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam có thể chủ động tăng vốn điều lệ thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại để tài trợ cho các dự án mở rộng sân bay lớn và gia tăng công suất cho toàn ngành.
 
Ngoài ra, thay đổi này cũng cho phép các doanh nghiệp như Vietnam Airlines có thể thoái vốn tại hãng hàng không Pacific Airlines đang gặp khó khăn (Vietnam Airlines sở hữu 99% vốn), là một phần quan trọng trong phương án tái cấu trúc của hãng hàng không này. SSI kỳ vọng việc sửa đổi này có thể được thông qua và có hiệu lực trong nửa cuối năm 2024.
 
Đây chính là những yếu tố đem lại kỳ vọng cao cho ngành hàng không trong năm 2024 với cả hàng không quốc tế và nội địa. Có thể thấy tiềm năng cổ phiếu nhóm ngành hàng không năm 2024 là rất cao.
 
Dù vậy, SSI cũng đưa ra lưu ý mức định giá của các doanh nghiệp hàng không đang khá cao so với khả năng sinh lời thấp. Với mức định giá hiện tại, các doanh nghiệp vận hành sân bay và dịch vụ sân bay (như ACV, AST) được coi là hợp lý hơn, vì mức đóng góp kém tích cực của du lịch Trung Quốc khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đang ở mức thấp. Tuy nhiên, hạn chế của các cổ phiếu này là tính thanh khoản thấp, nên ít hấp dẫn với nhà đầu tư.
 

Cổ phiếu liên quan

Công ty
Giá
Tin tức