Kho bạc Nhà nước thực hiện quản lý hiệu quả rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ.
Tổng khối lượng huy động trái phiếu chính phủ đạt gần 19,2% kế hoạch năm 2024. Ảnh minh họa: TTXVN
Kho bạc Nhà nước cho biết, đến 20/3, tổng khối lượng huy động trái phiếu chính phủ đạt 72.774 tỷ đồng, tương đương gần 19,2% kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ năm 2024 (400.000 tỷ đồng) và 57,3% kế hoạch quý 1/2024 (127.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành bình quân là 11,45 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,21%/năm.
Theo Kho bạc Nhà nước, ngay từ tháng đầu năm, đơn vị đã tập trung điều hành ngân quỹ đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch (bằng nội tệ và ngoại tệ) khi nhu cầu chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản, trả nợ nước ngoài… tăng cao vào thời điểm cuối năm dương lịch 2023 và thời điểm chỉnh lý quyết toán niên độ ngân sách 2023. Kho bạc Nhà nước cũng quản lý hiệu quả rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ.
Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước) cho biết, năm 2024, Kho bạc Nhà nước tiếp tục điều hành ngân quỹ theo phương án đã phê duyệt nên đang tập trung phát hành để cân đối ngân sách và trả nợ gốc trước đây. Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước cũng đang sử dụng nguồn ngân quỹ nhàn rỗi theo đúng quy định, sử dụng cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương vay, hỗ trợ ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính đã yêu cầu Kho bạc Nhà nước tổ chức quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch. Tiếp tục triển khai các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước theo phương án điều hành ngân quỹ nhà nước năm 2024 và quý 1/2024 được Bộ phê duyệt. Kho bạc Nhà nước cũng cần bám sát tình hình của thị trường, tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, tổ chức đấu thầu trái phiếu chính phủ qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội định kỳ thứ Tư hàng tuần để huy động vốn cho ngân sách trung ương với khối lượng phù hợp, đảm bảo tiết kiệm chi phí và hiệu quả trong quản lý nợ công.
Thời gian tới, Kho bạc Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành ngân quỹ đảm bảo nhu cầu thanh toán, chi trả của ngân sách nhà nước và của các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước (bằng nội tệ, ngoại tệ). Đồng thời, triển khai các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước theo phương án điều hành ngân quỹ nhà nước năm 2024 và quý 1/2024; quản lý rủi ro hoạt động quản lý ngân quỹ; quản lý việc mở tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng và mở rộng phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại theo quy định và chỉ đạo của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước tiếp tục bám sát kế hoạch huy động vốn được giao, chủ động xây dựng lịch biểu, kế hoạch phát hành; theo dõi chặt chẽ tình hình thu, chi, kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương và diễn biến tình hình thị trường để kịp thời tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp huy động vốn trái phiếu chính phủ với khối lượng, kỳ hạn, lãi suất phát hành phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách trung ương và duy trì thị trường trái phiếu chính phủ hoạt động ổn định với kỳ hạn phát hành bình quân đạt từ 9-11 năm theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.
Kho bạc Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu trái phiếu chính phủ qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để huy động vốn cho ngân sách trung ương với khối lượng phù hợp, đảm bảo tiết kiệm chi phí và hiệu quả trong quản lý nợ công.
Đặc biệt, Nghị định 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán vừa chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc sửa đổi Nghị định là cần thiết để nâng cao hiệu quả huy động vốn của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trong giai đoạn thị trường có biến động, có thể đa dạng các phương thức phát hành bên cạnh việc tổ chức phát hành theo phương thức đấu thầu.
Minh Trang