Khát vọng làm lại cuộc đời của "đại gia" Mai Văn Huy - Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro, mã: PSH) đã đưa doanh nghiệp từng bước bứt phá và vươn lên vị trí dẫn dắt thị trường xăng dầu miền Tây. Tuy nhiên, hậu niêm yết, tình hình kinh doanh của NSH Petro bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những "nốt trầm".
CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với “bức tranh” kinh doanh nhuốm sắc màu ảm đạm.
Tiếp tục báo lỗ
Cụ thể, NSH Petro lỗ hơn 29 tỷ đồng trong 3 tháng đầu tiên của năm, nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu giảm mạnh tới 8 lần, lợi nhuận gộp không đủ bù chi phí.
3 tháng đầu năm, Dầu khí Nam Sông Hậu tiếp tục báo lỗ hơn 29 tỷ đồng.
Trước đó, “trùm” xăng dầu miền Tây báo lỗ 220,6 tỷ đồng trong quý IV/2023, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 42 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của NSH Petro đạt giá trị hơn 10.988 tỷ đồng, tăng hơn 900 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng tiền mặt chỉ còn hơn 24 tỷ đồng, "bốc hơi" gần 90% sau một năm.
Không chỉ vậy, "ông lớn" xăng dầu miền Tây này còn bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện cảnh báo từ 10/4.
Trong báo cáo tài chính soát xét năm 2023, kiểm toán đã đưa ra 3 ý kiến ngoại trừ đối với doanh nghiệp: NSH Petro bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn; nhiều khoản phải nộp ngân sách nhà nước còn nợ; việc kiểm toán không thể xác định tính hiện hữu của giá trị hàng tồn kho.
Tới cuối quý I/2024, NSH Petro ghi nhận nợ phải trả ngắn hạn hơn 7.220 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.268 tỷ đồng nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước. Doanh nghiệp này có dư nợ gần 4.270 tỷ đồng tại Ngân hàng BIDV. NSH Petro còn dư nợ trái phiếu gần 757 tỷ đồng.
NSH Petro được biết đến là một trong những nhà phân phối xăng dầu lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ (miền Tây). Ngoài đầu tư thực hiện dự án “xây dựng kho cảng xăng dầu Nam Sông Hậu với quy mô 50.000m3” tại Hậu Giang và ngành nghề kinh doanh chính là xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp còn đầu tư vào các ngành nghề: thiết kế, xây dựng, bất động sản, chăn nuôi thủy sản, du lịch, nhà hàng khách sạn, trạm dừng chân,...
Doanh nghiệp có 67 cửa hàng, 550 đại lý, một nhà máy lọc hóa dầu công suất 700.000 lít thành phẩm/ngày và 9 kho cầu cảng với tổng sức chứa hơn 500.000 m3.
Hiện, NSH Petro có vốn điều lệ hơn 1.260 tỷ đồng, ông Mai Văn Huy là Chủ tịch HĐQT và cũng là cổ đông lớn. Em trai ông Huy - Mai Văn Thành, là thành viên HĐQT của NSH Petro; con trai ông Huy - Mai Hữu Phúc, là Phó tổng giám đốc.
Cách đây hơn 2 thập kỷ, ông Mai Văn Huy - nguyên Giám đốc Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp bị kết án chung thân về tội buôn lậu, tham ô, đưa hối lộ và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau hơn 9 năm, ông được Chủ tịch nước xem xét và đặc xá.
Ông Mai Văn Huy đã trở lại rất ấn tượng với NSH Petro. Sau vài năm, doanh nghiệp này đã trở thành “ông lớn” xăng dầu, giữ vị thế hàng đầu trong lĩnh vực phân phối xăng dầu ở các tỉnh Tây Nam Bộ, lọt top các doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất cùng với những cái tên như Saigon Petro, Resol, Petrolimex...
Đầu năm 2020, NSH Petro nộp hồ sơ đăng ký và niêm yết cổ phiếu trên HoSE vài tháng sau đó. Tuy nhiên, kể từ khi niêm yết, kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng. Trong đó, đặc biệt năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu tăng 28,2% lên 7.355,1 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 576,1 tỷ đồng, ghi nhận lỗ kỷ lục 236,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận tín hiệu kém khả quan khi biên lợi nhuận gộp giảm từ 14,4% về chỉ còn 3,4%, là mức thấp kỷ lục.
Không chỉ vậy, sau niêm yết, NSH Petro liên tục tạo ra “game” tăng vốn và hủy kế hoạch phát hành riêng lẻ.
Cổ phiếu ở mức “giá trà đá”
Đáng chú ý, trong bối cảnh doanh nghiệp nợ chồng chất, chỉ chưa đầy 2 tháng từ 31/8 - 26/10/2023, hai vị lãnh đạo doanh nghiệp đã liên tiếp thoái vốn khi đăng ký bán ra tổng cộng 9,3 triệu cổ phiếu.
Cụ thể, từ ngày 27/9 – 16/10/2023, Chủ tịch Mai Văn Huy đăng ký bán ra 2,4 triệu cổ phiếu
PSH giảm sở hữu từ 80 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 63,39% về còn 77,7 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 61,49%. Trước đó, từ ngày 15/9 – 20/9, ông Huy đã tiến hành bán ra hơn 4,1 triệu cổ phiếu
PSH, giảm sở hữu từ 66,65% về 63,39% vốn điều lệ.
Cùng thời điểm ông Huy muốn bán ra 2,4 triệu cổ phiếu, bà Võ Bích Trâm, thành viên HĐQT cũng đăng ký thoái toàn bộ hơn 1,1 triệu cổ phiếu
PSH để giảm sở hữu từ 0,92% về còn 0% vốn điều lệ.
Cuối tháng 8 trước đó, bà Trâm cũng đã bán ra gần 1,7 triệu cổ phiếu
PSH để giảm sở hữu từ 2,23% về còn 0,92% vốn điều lệ.
Trên thị trường, thị giá cổ phiếu
PSH liên tục giảm mạnh, đặc biệt trong gần một năm nay, nguyên nhân được cho là do kinh doanh sa sút, thua lỗ cùng nhiều tin xấu như nợ thuế và lãi trái phiếu đến hạn. Tính từ hồi tháng 7/2023 đến nay, thị giá
PSH đã giảm hơn 3,3 lần, từ mức 15.200 đồng/cp về mức 4.340 đồng/cp (phiên 23/4/2024).
Ngoài ra, nguyên nhân khiến thị giá cổ phiếu của "ông lớn" xăng dầu miền Tây giảm mạnh nhiều tháng qua còn do áp lực bán giải chấp.
Trong đợt cổ phiếu
PSH giảm mạnh gần một năm qua, ông Mai Văn Huy đã bị bán giải chấp một lượng lớn cổ phiếu. Đến cuối tháng 3 đầu tháng 4, cổ phiếu
PSH liên tục giảm sàn và "bốc hơi" 40%. Đây cũng là khoảng thời gian ông Mai Văn Huy bị bán giải chấp nhiều triệu cổ phiếu. Tới ngày 12/4, Chủ tịch NSH Petro còn nắm giữ hơn 75,3 triệu cổ phiếu
PSH, tương ứng tỷ lệ 59,69% vốn.
Trong gần một năm qua, vốn hóa của NSH Petro "bốc hơn" khoảng 1.330 tỷ đồng, "túi tiền" của ông Mai Văn Huy cũng "bốc hơi" khoảng hơn 900 tỷ đồng.
Có thể thấy, từ một "tân binh" lên sàn HoSE với nhiều kỳ vọng sẽ thống lĩnh thị trường phân phối xăng dầu tại khu vực TP. Cần Thơ và một số vùng lân cận, cũng như phát triển lĩnh vực bất động sản với quỹ đất đang sở hữu, sau hơn 3 năm niêm yết trên sàn, NSH Petro bộc lộ nhiều điểm kém tích cực từ kết quả kinh doanh lao dốc, thất hứa các đợt tăng vốn và có dấu hiệu kẹt thanh khoản khi không thể trả lãi trái phiếu đến hạn.
Được biết, trong thông báo mới nhất, NSH Petro cho biết nhận được cam kết về khoản tài trợ 650 triệu USD từ Acuity Funding (Australia) để đầu tư xây dựng phát triển kinh doanh xăng dầu. Thế nhưng, nhiều người lại đặt ra nghi vấn: Liệu rằng cam kết đầu tư này có được thực hiện sớm và giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại?
Hải Giang