Việc thu hồi giấy phép với một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho thấy thị trường vẫn còn nhiều bất ổn cần sớm sửa đổi các cơ chế chính sách để lành mạnh thị trường.
Trước việc Bộ Công Thương ban hành quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện một số thương nhân phân phối xăng dầu tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Phòng và Quảng Nam cho thấy trên thị trường xăng dầu vẫn còn nhiều bất ổn. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường kiểm tra kiểm soát và sớm sửa đổi các cơ chế chính sách để lành mạnh thị trường.
Lực lượng chưc năng kiểm tra tại doanh nghiệp. Ảnh Tổng cục Quản lý thị trường
Bộ Công Thương cho biết vừa ban hành quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty TNHH Kinh doanh xăng dầu Trực Ninh (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Cũng trong tháng này, Bộ Công Thương cũng đã ban hành 4 quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đối với các doanh nghiệp: CTCP Thương mại và Dịch vụ vận tải Ngọc Khánh (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam); Công ty TNHH Thương mại và Cung ứng Petrolink (quận Ba Đình, TP Hà Nội); Công ty TNHH Thương mại và Vận tải xăng dầu Minh Phát (quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Đức Hạnh (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng).
Nhằm siết chặt quản lý trong lĩnh vực xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tăng cường kiểm tra kiểm soát và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. Đơn cử, ngày 24/5, Đội Quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường Phú Thọ đã xử phạt hành chính 120 triệu đồng với 2 doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh về hoạt động kinh doanh và bán lẻ xăng dầu.
Cụ thể, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 8 kiểm tra đột xuất đối với Công ty cổ phần Sunseaco Việt Nam tại xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm hành chính: Thương nhân phân phối xăng dầu ký hợp đồng với đại lý bán lẻ xăng dầu không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và trình cấp thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là: 70 triệu đồng.
Trước đó, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 8 tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Tấn Lộc Phú Thọ tại xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Qua kiểm tra đã phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm hành chính kinh doanh xăng dầu mà không có Giấy phép kinh doanh xăng dầu (Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu) theo quy định. Do đó, Đoàn kiểm tra đã lập Biên bản vi phạm hành chính và trình cấp thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 50 triệu đồng.
Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ cho biết, tới đây Cục tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Tương tự, tại Bạc Liêu, một doanh nghiệp tư nhân xăng dầu cũng vừa bị phạt 15 triệu đồng vì không treo biển hiệu của thương nhân cung cấp xăng dầu cho cửa hàng là thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.
Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ảnh Tổng cục Quản lý thị trường
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế Phan Hùng Sơn cho hay, từ nay đến cuối năm 2024, Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm hoạt động kinh doanh xăng dầu, buôn lậu, hàng giả.
Theo ông Phan Hùng Sơn, hiện nay tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, quy mô và mức độ khác nhau. Trước thực trạng đó, Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường…
Đáng lưu ý, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng nhập lậu. Chú trọng kiểm tra kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng và nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương như xăng dầu, vàng, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thực phẩm chức năng..., cao điểm vào các dịp lễ, kỳ nghỉ hè khi các hoạt động buôn bán hàng lậu có nguy cơ gia tăng với những thủ đoạn tinh vi và khó lường.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý địa bàn, quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử. Chống sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kiểm tra an toàn thực phẩm…
“Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường Thừa Thiên Huế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; giám sát việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo các Chỉ thị, Công điện, Văn bản của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổng cục Quản lý thị trường, nhất là Công điện số 09/CĐ-TTg ngày 24/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 đối với mặt hàng xăng dầu”, ông Phan Hùng Sơn nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thu hồi giấy phép, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, các hành vi vi phạm phổ biến gồm mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định; ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân đó đang là đại lý của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác.
"Sau quá trình thanh tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện nhiều doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối (cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc, cửa hàng bán lẻ xăng dầu của đại lý không đủ theo quy định): 17/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 26,5%", đại diện Tổng cục Quản lý thị trường chỉ rõ.
Theo các chuyên gia kinh tế, xung quanh vấn đề này, nút thắt nằm ở việc quy định các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối được quyền mua xăng dầu lẫn của nhau. Điều này đã khiến tổng nguồn được tạo ra không chuẩn xác, tạo ra tầng nấc mua qua bán lại, hưởng chênh lệch giá, chiết khấu.
Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng khi sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu, tránh việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lợi dụng kẽ hở chính sách để trục lợi, phải căn cứ vào năng lực thực sự của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tăng trưởng nóng về số lượng nhưng yếu về chất. Cùng đó, ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong cấp phép; hình thành doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, năng lực quản trị và kinh doanh tốt trong lĩnh vực xăng dầu.
Uyên Hương-Link gốc