Lãi suất tiết kiệm liên tục "dò đáy" trong thời gian dài khiến lượng tiền gửi tại nhiều ngân hàng sụt giảm. Trong bối cảnh tín dụng có dấu hiệu tăng trở lại, từ tháng 4 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2024, tổng tiền gửi tại 27 ngân hàng niêm yết đến cuối tháng 3/2024 là hơn 9,88 triệu tỷ đồng, tăng 0,7% so với đầu năm. Trong đó, 3 ngân hàng hút tiền gửi nhiều nhất đều thuộc nhóm Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) là BIDV, VietinBank và Vietcombank.
Ngân hàng nào hút tiền gửi nhiều nhất?
Cụ thể, tiền gửi khách hàng ở BIDV tăng 1,8% so với cuối năm trước, đạt hơn 1,73 triệu tỷ đồng. Tiếp theo là VietinBank và Vietcombank với tổng tiền gửi đến hết tháng 3/2024 lần lượt là 1,42 triệu tỷ đồng và 1,34 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quý I, lượng tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank sụt giảm hơn 48 nghìn tỷ đồng (tương đương giảm 3,5%). Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm mạnh hơn tiền gửi có kỳ hạn, theo đó tỷ lệ CASA của Vietcombank từ 35,2% giảm xuống còn 34,7%. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn giữ vị trí số 3 về lượng tiền gửi.
Hiện, trong nhóm Big 4 còn Agribank chưa công bố báo cáo tài chính chi tiết nhưng riêng lượng tiền gửi ngân hàng của 3 nhà băng kể trên đã chiếm đến gần 46% tổng tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống, tương ứng đạt gần 4,49 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm ngoái.
Tổng tiền gửi tại 27 ngân hàng đến cuối tháng 3/2024 là hơn 9,88 triệu tỷ đồng, tăng 0,7% so với đầu năm.
Ở nhóm tư nhân, top 5 nhà băng có lượng tiền gửi cao nhất là MB đạt hơn 558 nghìn tỷ đồng; Sacombank: 533 nghìn tỷ đồng, ACB: hơn 492 nghìn tỷ đồng, Techcombank: hơn 458 nghìn tỷ đồng và VPBank là 455 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng tiền gửi trong 3 tháng đầu năm, LPBank là ngân hàng có tốc độ tăng mạnh nhất với mức tăng 10,4%. Theo đó, số dư tiền gửi của khách hàng tại LPBank đã lên gần 262 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 11 trong 27 ngân hàng niêm yết.
Nhóm các nhà băng tư nhân có mức tăng trưởng tiền gửi trên 4% gồm: SeABank tăng 6,6% lên mức gần 155 nghìn tỷ đồng; Sacombank tăng 4,4%; MSB tăng 4,1%; NCB tăng 4,3%; BVBank tăng 4,4%; PGBank tăng 4,2%.
Ở chiều ngược lại, ABBank là ngân hàng sụt giảm tiền gửi mạnh nhất, giảm đến 16,5% trong 3 tháng xuống còn hơn 83 nghìn tỷ đồng.
Tiếp đến là TPBank giảm 8,4%; MB giảm 1,5%; Kienlongbank giảm 1,2%; VIB giảm 1%; SHB giảm 0,7%; BacABank giảm 0,3%; Saigonbank giảm 0,2%.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến lượng tiền gửi tại nhiều ngân hàng sụt giảm là do lãi suất tiết kiệm giảm.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm tính đến cuối tháng 3/2024 đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm ngoái, không có ngân hàng nào sẵn sàng trả lãi suất trên 5%/năm cho khoản tiền gửi 12 tháng. Riêng khoản gửi ngắn hạn vài tháng, lãi suất dao động 2-4%/năm, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Đà giảm lãi suất kéo dài từ tháng 4 năm ngoái khiến lãi suất xuống đáy, có thời điểm thậm chí còn thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19. Tại các ngân hàng lớn, Vietcombank chỉ trả lãi 4,7%/năm cho khoản tiền 12 tháng, còn tại Agribank, BIDV và VietinBank, lãi suất là 4,8%/năm.
Cuộc đua hút tiền gửi sẽ 'nóng' hơn khi hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất
Trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp kéo dài, tiền gửi dân cư cũng ghi nhận dấu hiệu dịch chuyển bớt khỏi kênh ngân hàng.
Theo số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã lần đầu tiên suy giảm sau khi tăng liên tục 25 tháng liên tiếp trước đó. Đến hết tháng 1, tiền gửi dân cư đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm 0,53% so với cuối năm ngoái.
Tương tự, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào cuối tháng 1/2024 là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm hơn 165.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương đương giảm 2,41%.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến ngày 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.
Báo cáo của các ngân hàng thương mại cho thấy, đến 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023.
Trong bối cảnh lãi suất giảm mạnh, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Cùng với đó, kinh tế đang bắt đầu hồi phục, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng, lãi suất huy động có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại.
Theo khảo sát của VnBusiness, tới ngày 7/5, đã có gần 20 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong vòng một tháng qua, trong đó phần lớn điều chỉnh vào đầu tháng này. Không có nhà băng nào giảm lãi suất từ đầu tháng đến nay. Đáng chú ý, một số nhà băng có quy mô lớn đã tăng lãi suất 0,5-0,9%/năm.
Ngân hàng tăng lãi suất mạnh nhất là CBBank với mức tăng 0,9%, áp dụng cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Nhiều nhà băng khác như Sacombank, TPBank, VIB, BVBank, Shinhan Bank, GPBank, BacABank cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1% tới 0,5%.
Đây là lần đầu tiên, lãi suất tiết kiệm được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng đồng loạt sau hơn một năm đi xuống liên tục.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, năm nay, ngân hàng còn ít dư địa giảm lãi huy động khi mặt bằng lãi suất đã về thấp hơn giai đoạn Covid-19.
“Lãi suất huy động đã giảm liên tục trong năm 2023 và đầu năm 2024 xuống mức thấp kỷ lục và nhiều khả năng đã là đáy. Theo đó, tiền gửi dân cư chảy vào hệ thống chững lại trong khi dư nợ tín dụng tại một số nhà băng có tín hiệu "ấm" dần lên, điều này có thể khiến lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng nhẹ từ nửa cuối năm nay", một chuyên gia tài chính nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức tăng lãi suất sẽ không quá mạnh do định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn là ổn định lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Huyền Anh
Link gốc