• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
08 Tháng Mười Một 2024 8:56:37 CH - Mở cửa
Săn ‘hàng hiệu’ vỉa hè, vô tình tiếp tay cho hàng giả, nhái
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 10/06/2024 2:21:55 CH

Trên vỉa hè một số tuyến phố của Hà Nội và một số tỉnh, thành, người tiêu dùng không khó để bắt gặp những điểm bày bán sản phẩm mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton, hay Chanel,... với giá rất rẻ. Đáng nói, việc tiêu thụ những món “hàng hiệu” giá rẻ này có thể vô tình tiếp tay cho nạn hàng giả, hàng nhái, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Mới đây, Cục QLTT tỉnh Nam Định phát hiện, tạm giữ 1.400 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh xưởng may Sơn Nhung đang kinh doanh sản phẩm quần áo trẻ em và quần đùi người lớn. Hộ kinh doanh sử dụng trang mạng xã hội Facebook qua tài khoản là "xưởng may Sơn Nhung" để giới thiệu sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas và Chanel. Đáng nói, chủ cơ sở không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa trên.

Khi thương hiệu cao cấp "xuống đường"

Mục sở thị tại một điểm bán túi xách trên đường Kim Giang (Thanh Xuân), có thể thấy, ở đây bày bán vô vàn các loại mẫu với giá thành chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng mang nhãn hiệu Nike, Adidas…

Trò chuyện với anh T, người bán hàng này cho biết, đây là những sản phẩm được nhập từ một công ty, ngoài ra cũng có một số mẫu bị lỗi nên được bán với giá rẻ hơn. “Người tiêu dùng hầu hết đều thích những thứ vừa đẹp vừa rẻ, đặc biệt còn là những thương hiệu nổi tiếng. Đây tuy không phải là hàng chính hãng nhưng chất lượng rất tốt và bền,…”, anh T nói.

Sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton, hay Chanel,... được bán với giá từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng.

Ngoài ra, có rất nhiều điểm bán giày dép từ cũ đến mới với lời mời chào là “hàng chất lượng, hàng si” nhưng cũng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Càng về chiều, các gian hàng càng đông đúc và nhộn nhịp. Người mua kẻ bán tha hồ trả giá, các cuộc mua bán diễn ra dọc tuyến đường. Theo quan sát của VnBusiness, lượng khách hàng mua đồ ở đây chủ yếu là sinh viên và người lao động bởi các món đồ ở đây được bán với giá thành phù hợp túi tiền của họ.

Điều đáng nói là những sản phẩm này thường được sản xuất từ các nguyên liệu rẻ tiền, không đảm bảo chất lượng. Một đôi giày "Nike" giả có thể chỉ dùng được vài tuần trước khi bị hỏng, trong khi giày chính hãng có thể sử dụng lâu dài và có độ bền cao. Nguồn gốc của những món hàng này thường không rõ ràng, nhiều sản phẩm được nhập lậu từ Trung Quốc hoặc sản xuất lén lút trong các xưởng gia công trong nước.

Mặc dù người bán hàng khẳng định các sản phẩm bày bán đều là “hàng hiệu xách tay” hoặc “hàng xuất dư” để thuyết phục khách hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa phần những sản phẩm này đều là hàng giả, hàng nhái, được sản xuất một cách tinh vi để đánh lừa người tiêu dùng, bởi chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy chất lượng của những sản phẩm này. Chúng được sản xuất từ các nguyên liệu rẻ tiền, không qua kiểm định chất lượng và không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Hơn nữa, nguồn gốc của những món hàng này thường không rõ ràng. 

Xu hướng hay hiểm họa?

Quay trở lại với vụ việc một cơ sở sản xuất ở Nam Định bị bắt vì bán hàng giả mạo nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra với những hình thức ngày càng tinh vi hơn.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong năm 2023, toàn thành phố đã kiểm tra, xử lý 1.760 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hơn 18,121 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 17,857 tỷ đồng. Nhiều vụ việc vi phạm bị xử lý có tính răn đe cao nên không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, dự báo, năm 2024, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp diễn vì lợi nhuận thu được lớn.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, khó khăn nhất trong công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… ở Hà Nội hiện nay là địa bàn quản lý rộng, phức tạp với nhiều kho tàng, bến bãi, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, gây khó khăn trong công tác nắm bắt, quản lý địa bàn. Mặt khác, nhiều đối tượng thuê kho, bãi sẵn sàng chống đối (không tiếp xúc, không làm việc), gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm soát địa bàn.

Có thể thấy, hàng giả, hàng nhái không chỉ đánh lừa người tiêu dùng về chất lượng mà còn gây tổn hại đến uy tín của các thương hiệu lớn. Những sản phẩm này thường được sản xuất với chất lượng kém, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Khi mua hàng trên vỉa hè, người tiêu dùng vô tình trở thành một phần của chuỗi cung ứng hàng giả, hàng nhái. Việc tiêu thụ các sản phẩm này không chỉ là hành vi mua bán thông thường mà còn là sự tiếp tay cho các hoạt động sản xuất và phân phối bất hợp pháp, gây tổn hại đến nền kinh tế và làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường chính thống.

Hơn nữa, mua phải hàng giả, hàng nhái không chỉ khiến người tiêu dùng mất tiền mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn. Chất lượng kém của những sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của người sử dụng. Chẳng hạn, các sản phẩm mỹ phẩm giả có thể gây dị ứng, kích ứng da; giày dép kém chất lượng có thể gây đau chân, biến dạng bàn chân. Việc sử dụng hàng giả, hàng nhái còn làm mất đi giá trị thực sự của những món đồ hàng hiệu, giảm đi niềm vui và sự hài lòng khi sở hữu sản phẩm chính hãng.

Theo đó, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức và cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm. Nên tìm mua hàng ở những cửa hàng uy tín, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để phân biệt hàng thật và hàng giả. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính mình mà còn góp phần đẩy lùi thị trường hàng giả, hàng nhái, bảo vệ uy tín của các thương hiệu chính hãng.

Việc săn 'hàng hiệu' giá rẻ trên vỉa hè có thể mang lại cảm giác hào hứng nhất thời, nhưng những hệ lụy tiềm ẩn phía sau lại vô cùng đáng ngại. Người tiêu dùng cần tỉnh táo và có trách nhiệm hơn trong việc mua sắm để không vô tình trở thành nạn nhân và kẻ tiếp tay cho thị trường hàng giả, hàng nhái.

Chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự nỗ lực của các doanh nghiệp và ý thức trách nhiệm của mỗi người tiêu dùng. Hãy nói không với hàng giả, hàng nhái để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và góp phần xây dựng một thị trường lành mạnh, minh bạch.

Lê Hồng-Link gốc