• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,11 +0,14/+0,01%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,11   +0,14/+0,01%  |   HNX-INDEX   223,57   +0,48/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   92,35   +0,39/+0,42%  |   VN30   1.301,52   +0,46/+0,04%  |   HNX30   475,60   +1,33/+0,28%
29 Tháng Mười Một 2024 5:00:20 SA - Mở cửa
Trần chi phí lãi vay: Bao nhiêu thì hợp lý?
Nguồn tin: VietNam Finance | 24/06/2024 10:45:12 SA

Từ Nghị định 20/2017 đến Nghị định 132/2020, mức khống chế chi phí lãi vay đã được nâng từ 20% EBITDA lên thành 30% EBITDA. Tuy nhiên, chừng đó dường như vẫn là không đủ.

Quy định về mức khống chế chi phí lãi vay được thiết lập lần đầu tiên tại Nghị định 20/2017, sau đó được sửa đổi tại Nghị định 68/2020 và nhắc lại tại Nghị định 132/2020. Đây là quy định nhằm kiểm soát tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết. Theo đó, việc đặt ra quy định về mức khống chế chi phí lãi vay nhằm hạn chế tình trạng vốn mỏng, lạm dụng tài trợ vốn/tài trợ tài chính nội bộ giữa các thành viên trong tập đoàn đa quốc gia với mục đích tránh thuế.

Từ mức 20% EBITDA (EBITDA = lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) tại Nghị định 20, mức khống chế chi phí lãi vay được nâng lên 30% EBITDA tại Nghị định 68 và Nghị định 132. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh kinh tế khó khăn và mặt bằng lãi suất cao như hiện tại, quy định này được đánh giá là không còn phù hợp.

Mới nhất, dự thảo sửa đổi Nghị định 132 vừa được công bố cho thấy những điểm nghẽn quan trọng đối với doanh nghiệp liên quan đến khống chế chi phí lãi vay vẫn chưa được tháo gỡ.

30% vẫn là chưa đủ

Những năm trước đây, mức khống chế 30% EBITDA được xem là hợp lý, bởi mặt bằng lãi suất ổn định ở mức trung bình thấp. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến giữa năm 2023, mức lãi suất cho vay bình quân liên tục neo ở mức cao, dao động 8% - 10,7%, khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp bị vượt mức khống chế 30%.

Vừa gặp khó vì mặt bằng lãi cao, trong cùng giai đoạn, cộng đồng doanh nghiệp lại hứng chịu tác động từ sự đổ vỡ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khiến việc tiếp cận các nguồn vốn vay trung và dài hạn thông qua kênh trái phiếu trở nên “tắc nghẽn”. Hệ quả là các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào hình thức cấp tín dụng từ ngân hàng. Thống kê của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho thấy năm 2021 nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm 46,4% cơ cấu vốn cho lĩnh vực bất động sản, sang năm 2022 tỷ lệ này lên tới 73,8% do thị trường vốn trái phiếu suy giảm.

Việc không thể “cai nghiện” tín dụng, trong khi lãi suất cho vay neo cao, đã khiến mức khống chế chi phí lãi vay 30% EBITDA trở nên bất cập. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả EBITDA rất thấp, thậm chí có không ít trường hợp EBITDA âm. Điều này khiến phần lớn chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh “khó chồng khó”.

Đối với phần chi phí lãi vay vượt ngưỡng khống chế, Nghị định 132 cho phép chuyển tiếp phần chi phí lãi vay này sang 5 năm tiếp theo. Nhưng với tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại, cùng với bức tranh hồi phục kinh tế chưa thực sự rõ ràng, thì việc doanh nghiệp chỉ có 5 năm để xử lý số chi phí lãi vay vượt mức khống chế là một bài toán rất thách thức.

Tất cả những vấn đề nêu trên đòi hỏi một quy định mới có thể giải quyết triệt để bài toán khó khăn hiện tại: làm sao vừa tiếp cận được nguồn vốn vay với chi phí hợp lý, mà các chi phí lãi vay thực sự phát sinh cho hoạt động sản xuất kinh doanh không bị loại trừ quá nhiều như cách tính mức khống chế lãi vay hiện tại của Nghị định 132.

“Nâng trần” lên bao nhiêu?

Theo giới chuyên môn, có ít nhất 3 giải pháp liên quan đến cơ chế tính toán mức khống chế chi phí lãi vay.

Một là “nâng trần” khống chế chi phí lãi vay từ 30% EBITDA lên mức cao hơn, chẳng hạn 50% EBITDA. Cơ sở của việc “nâng trần” này là hướng dẫn của Chương trình hành động số 4 trong tổng số 15 Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Theo đó, hướng dẫn của OCED cho thấy việc áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay là khá linh hoạt và cho phép các quốc gia lựa chọn cơ chế phù hợp, thậm chí nếu chứng minh được lãi suất trong các khoản vay trả cho bên liên kết đã theo nguyên tắc giá thị trường thì không bị loại trừ chi phí lãi vay vượt mức khống chế.

Hiện, có khá nhiều quốc gia đã áp dụng sự linh hoạt này. Điển hình như Trung Quốc, chi phí lãi vay vượt mức khống chế vẫn có thể được trừ nếu mức lãi suất là phù hợp với nguyên tắc giá thị trường. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Trung Quốc có quy định về nguyên tắc vốn mỏng không cho phép chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay phát sinh với bên liên kết vượt hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 2:1. Tuy nhiên, nếu có đầy đủ hồ sơ chứng từ để chỉ ra rằng thỏa thuận tài chính được thực hiện theo nguyên tắc giá thị trường thì những khoản lãi này vẫn có thể được trừ toàn bộ ngay cả khi vượt quá ngưỡng khống chế.

Úc cũng áp dụng nguyên tắc tương tự. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không được vượt quá ngưỡng 1,5:1. Tuy nhiên khi khoản vay vượt ngưỡng quy định, các công ty đa quốc gia có thể không bị ảnh hưởng nếu có thể chứng minh việc tuân thủ nguyên tắc giá thị trường của mức lãi suất thì chi phí lãi vay phát sinh vẫn được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với Singapore và Thái Lan, hai quốc gia này thậm chí còn không có quy định về mức khống chế chi phí lãi vay. Về cơ bản, nếu các khoản vay dùng cho mục đích sản xuất kinh doanh và có các hóa đơn chứng từ hợp lệ thì được phép tính toàn bộ vào chi phí được trừ.

Tại các quốc gia phát triển như Mỹ và Nhật Bản, mức khống chế chi phí lãi vay cũng được cân nhắc điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh kinh tế và hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp theo từng thời kỳ tại các quốc gia này. Cụ thể, tại Mỹ, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19, Đạo luật CARES (Đạo luật hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19 và An ninh Kinh tế) đã được ban hành để nâng ngưỡng khống chế từ 30% lên 50% của thu nhập chịu thuế sau điều chỉnh áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 và 2020. Còn tại Nhật bản, tính đến 1/4/2020, chi phí lãi vay thuần phát sinh với bên liên kết ở nước ngoài (không bao gồm chi phí lãi vay phát sinh với bên độc lập) được trừ lên đến 50% EBITDA.

Bên cạnh việc “nâng trần”, một hướng giải pháp khác là quy định chi phí lãi vay dùng tính mức khống chế là chi phí lãi vay phát sinh với các bên có quan hệ liên kết, không tính chi phí lãi vay với ngân hàng thương mại.

Như đã nói, mục đích của quy định về giao dịch liên kết là nhằm quản lý việc tuân thủ nguyên tắc giá thị trường của các giao dịch liên kết. Do đó, các vấn đề liên quan đến lãi vay cũng nên đặt trong tinh thần chung của quy định này – chỉ điều chỉnh lãi vay giữa các bên liên kết. Dự thảo quy định sửa đổi cũng đã bỏ hình thức liên kết với ngân hàng thương mại nếu khoản vay lớn, do đó, loại trừ khoản vay với ngân hàng thương mại trong công thức tính khống chế chi phí lãi vay là hợp lý.

Giải pháp thứ ba là có thể tăng thời hạn chuyển tiếp chi phí lãi vay dài hơn 5 năm. Theo chương 8, mục 165, Hành động 4 thuộc BEPS của OCED, số năm chuyển tiếp hoặc giá trị chuyển tiếp chi phí lãi vay vượt mức khống chế khá linh hoạt và cho phép các quốc gia lựa chọn cơ chế phù hợp.

Trên thực tế, nhiều quốc gia cũng đã áp dụng sự linh hoạt này, như Nhật (7 năm), Ấn Độ (8 năm), Úc (15 năm). Thậm chí Mỹ, Singapore, Đức, Malaysia còn không giới hạn số năm chuyển tiếp và cơ chế chuyển lỗ của các quốc gia này là vô thời hạn.

Có thể thấy, các giải pháp nêu trên, nếu được áp dụng, không chỉ giúp giải quyết bài toán về chi phí lãi vay mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển và hồi phục của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn đang cần sự bứt tốc như hiện nay.

Vĩnh Chi-Link gốc