Lực lượng Biên phòng tuyên truyền, phát tờ rơi tuyên truyền các quy định pháp luật có liên quan khi tàu cá, ngư dân tham gia hoạt động trên biển. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)
Ngày 2/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị Sơ kết đánh giá tình hình thực hiện công tác chống khai thác bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh và triển khai Nghị quyết 04/2024/NQ/HĐTP Ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Báo cáo tại hội nghị, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết tính đến nay toàn bộ số tàu cá đã đăng ký được cập nhật 100% về cơ sở dữ liệu quốc gia.
Số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 97,15%, đã cấp phép khai thác đạt 75,92%.
Tỉnh còn 1.140 tàu cá “3 không,” đã được địa phương cấp số tạm, vẽ số 100% để quản lý.
Các tàu “3 không,” tàu không đủ điều kiện hoạt động đã được bàn giao danh sách cho các địa phương, Bộ Chỉ huy Biên phòng quản lý, giám sát, không cho xuất bến đối với tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác hải sản.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo, thành lập Tổ kiểm tra, giám sát quản lý các tàu cá “3 không,” các tàu không đủ điều kiện.
Cán bộ Đồn Biên phòng Bến Đá, thành phố Vũng Tàu kiểm tra niêm phong, kẹp chì thiết bị giám sát hành trình trước khi tàu cà xuất bến đánh bắt hải sản trên biển. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)
Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin danh sách tàu cá mất kết nối 6 giờ, danh sách tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển, danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác bất hợp pháp IUU, tàu vượt ranh giới trên biển lên nhóm zalo nhà cung cấp giám sát hành trình, Tổ trực mất kết nối, Tổ phản ứng nhanh của các địa phương, gửi đến các lực lượng chấp pháp trên biển như cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư Trung ương biết, phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định.
Các cảng cá chỉ định trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá ra vào cảng theo quy định.
Bà Phạm Thị Na cũng cho biết tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 6/2024 lực lượng chức năng của tỉnh đã điều tra, xử lý 205/207 trường hợp tàu cá mất kết nối trên 10 ngày; trong đó có 94 trường hợp đã xử phạt, với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, đã điều tra, xác minh 417 tàu cá mất kết nối trên 6 tháng, có 7/417 tàu, Bộ đội biên phòng tỉnh đã xử lý, còn lại không xử lý vì tàu mất kết nối trong bờ; mục nát, chủ tàu chết; chủ tàu không còn ở địa phương; bán tỉnh khác đã sang tên đổi chủ; tàu bị nước ngoài bắt giữ, chìm đắm trên biển; đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính.
Đối với 2 cảng cá vi phạm xác nhận nguồn gốc nguyên liệu tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại cảng Hưng Thái và đang tiếp tục điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, triệu tập lấy lời khai của các đối tượng liên quan tại cảng cá Xí nghiệp cơ khí tàu thuyền; tỉnh cũng đã xử lý 3/29 vụ vi phạm tháo, gửi thiết bị giám sát hành trình.
Cũng theo bà Na, hiện trên địa tỉnh vẫn còn tìm ẩn nguy cơ tái diễn tình trạng tàu cá, ngư dân tỉnh vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi như xảy ra các vụ việc nghiêm trọng về tháo gửi thiết bị giám sát hành trình.
Các vụ việc tàu cá vượt ranh giới trên biển, tàu cá mất kết nối ngày càng gia tăng, nhiều vụ việc vẫn còn đang trong quá trình điều tra, xử lý.
Đến nay, vẫn chưa hoàn thành được việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS và xử lý dứt điểm tàu cá “3 không.”
Lực lượng Biên phòng kiểm tra, kiểm soát tại các các tàu cá hoạt động gần bờ. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)
Một số tàu cá hoạt động ở vùng khơi đánh bắt không hiệu quả, sau đó thuyền trưởng đưa tàu cá vào sát vùng lộng, lợi dụng đêm tối, lợi dụng tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chấp pháp để tắt thiết bị giám sát hành trình và đưa tàu vào vùng lộng khai thác và sau đó quay lại vùng khơi để neo đậu.
Tại hội nghị, đại diện Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai Nghị quyết 04/2024/NQ/HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
Cũng tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan đã tham luận về tình hình, kết quả thực hiện IUU.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương tập trung quán triệt, tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm những vi phạm trong phòng chống IUU; khẩn trương xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến IUU đã phát hiện.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm IUU; sớm kết thúc các vụ án, vụ việc, tạo sự răn đe, chấm dứt tình trạng vi phạm IUU trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong việc xuất, cập bến các tàu đánh bắt hải sản theo đúng chức năng nhiệm vụ; kiên quyết không cho tàu xuất bến khi không đủ điều kiện và xử lý nghiêm theo quy định; tiếp tục theo dõi, rà soát, xác minh, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các vụ án, vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến IUU.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, lực lượng Kiểm ngư Trung ương trong nắm tình hình, hoạt động của tàu cá và ngư dân trên biển, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý tàu cá và ngư dân vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp, vượt ranh giới trái phép trên biển để xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh với các cơ quan, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức lực lượng trinh sát, lực lượng mật nắm tình hình trên biển; kịp thời trao đổi, thông báo, phối hợp xác minh, điều tra, xử lý từ trong bờ cho đến ngoài biển, đặc biệt là các đường dây móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, đường dây mua, chuộc tàu cá khi bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, hành vi tháo, gửi thiết bị VMS.../.