• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.245,75 -0,34/-0,03%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 1:55:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.245,75   -0,34/-0,03%  |   HNX-INDEX   221,13   -0,55/-0,25%  |   UPCOM-INDEX   92,89   +0,05/+0,06%  |   VN30   1.312,89   -1,92/-0,15%  |   HNX30   460,03   -1,77/-0,38%
22 Tháng Giêng 2025 2:05:01 CH - Mở cửa
Báo động: 'Làn sóng' chuyển hướng đầu tư khỏi Việt Nam của những tập đoàn toàn cầu
Nguồn tin: VietNam Finance | 05/07/2024 3:35:00 CH
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thời gian qua có nhiều tập đoàn lớn đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, nhưng do pháp luật chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước nên họ đã chuyển sang quốc gia khác.
 
Nội dung này được nêu trong báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ.
 
 
Đến Việt Nam 'thả thính', nhưng đầu tư ở nơi khác
 
Trong báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam về cơ bản đã bám sát tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước và liên tục được hoàn thiện trong hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa tương thích với bối cảnh mới.
 
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chỉ phụ thuộc vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập (miễn, giảm thuế); ưu đã về tiền thuê đất, hầu như chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí. Do đó, đang giảm dần cạnh trong trong thu hút đầu tư và chưa khuyến khích các hoạt động đầu tư lâu dài.
 
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, đặc biệt với việc ra đời của chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu.
 
Ngoài ra theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, pháp luật về ngân sách của Việt Nam cũng chưa có quy định về chi ngân sách cho các hình thức hỗ trợ đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư nên chính sách trên chưa áp dụng được trên thực tế.
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng những điều này dẫn đến thời gian vừa qua có nhiều tập đoàn lớn đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, nhưng do pháp luật chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước nên họ đã chuyển sang quốc gia khác.
 
Những ví dụ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra như LG Chemical đề xuất dự án sản xuất pin với đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất (tiền mặt), sau đó chuyển sang Indonesia; Intel đề xuất dự án sản xuất chip vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% tiền mặt, sau đó chuyển sang Ba Lan; Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo đã khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về hỗ trợ theo chi phí và lao động công nghệ cao có sẵn, nên đã chuyển sang Malaysia.
 
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết việc mở rộng đầu tư của một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn cũng có dấu hiệu chững lại để chờ phản ứng chính sách của Việt Nam. Thời gian qua, một số tập đoàn lớn đã có trao đổi chính thức về việc tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.
 
Cụ thể, Samsung cho biết sẽ dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ; LG đang tạm dừng kế hoạch đầu tư dự án mới sản xuất thiết bị điện tử trị giá 5 tỷ USD; SMC (Nhật Bản) đang dự kiến đầu tư sản xuất thiết bị y tế trị giá 500 triệu - 1 tỷ USD tại Đồng Nai; Foxconn, Compal, Quanta (Đài Loan) đang nghiên cứu mở rộng đầu tư các thiết bị phụ trợ cho Apple, IBM, Sisco.
 
"Trước mắt, cần giải pháp cấp bách để ứng phó với ảnh hưởng thuế tối thiểu toàn cầu, ngăn làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một nhóm các nhà đầu tư lớn (có thể kéo theo nhiều các công ty vệ tinh đi theo) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
 
 
Ảnh hưởng vị thế cạnh tranh với các nước trong khu vực
 
Trong báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá các nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty đa quốc gia đầu tư dự án mới cũng như mở rộng tại Việt Nam một phần chủ yếu là do sự ổn định của môi trường đầu tư cũng như cam kết về chính sách bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi luật pháp chính sách.
 
Việc Việt Nam không có các giải pháp kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam và kéo theo sự sụt giảm việc thu hút các công ty vệ tinh khác; đồng thời giảm động lực đầu tư của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, có thể dẫn đến việc thu hẹp quy mô sản xuất, giảm cầu về lao động.
 
Trong trường hợp Việt Nam không có động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư và cơ chế thực hiện phù hợp thì việc áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam; không còn hấp dẫn để giữ chân hoặc thu hút thêm vốn đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Từ đó, ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực, cũng như ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng cao.
 
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu không sớm nội luật hóa để điều chỉnh mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lên tương đương với mức thuế tối thiểu toàn cầu (15%), Việt Nam sẽ không thu được phần thuế chênh lệch, các công ty đầu tư tại Việt Nam cũng không được hưởng các ưu đãi này vì sẽ bị các quốc gia của công ty mẹ thu.
 
Ngoài ra, nếu chính sách ưu đãi thuế hiện tại bị thay đổi bởi cơ chế thuế suất tối thiểu toàn cầu thì một mặt Chính phủ phải đối diện với các cam kết bảo hộ đầu tư cho các nhà đầu tư hiện nay đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn đang trong thời kỳ ưu đãi đầu tư; mặt khác là phải sửa đổi, ban hành các cơ chế ưu đãi để tiếp tục cạnh tranh với các nước trong khu vực để duy trì và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, quyết định đầu tư của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phụ thuộc vào các yếu tối phi-thuế (Non-taxation) trong thời gian tới.
 
Trong dự thảo, Quỹ hỗ trợ đầu tư sẽ có nguồn thu là ngân sách nhà nước cấp từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn ngân sách nhà nước khác; nguồn đóng góp, viện trợ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; lãi từ tài khoản tiền gửi (nếu có); tồn dư quỹ hàng năm; và các nguồn khác.
 
Quỹ này sẽ hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
 
Các hỗ trợ chi phí bao gồm chi phí đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao, và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội.
 
Các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ đầu tư phải đáp ưng các tiêu chí như quy mô vốn đầu tư của dự án tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm. Trường hợp đầu tư trong lĩnh vực chip, mạch tích hợp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) thì dự án có quy mô vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm.
 
Riêng doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D thì cần đáp ứng điều kiện quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng.