Thị trường chứng khoán châu Á biến động ngược chiều trong phiên mở cửa đầu tuần ngày 8/7, giữa bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng tự tin hơn về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Trong khi đó, đồng euro suy yếu khi Pháp đối diện bế tắc chính trị sau vòng bầu cử gay cấn.
Giao dịch viên tại công ty chứng khoán ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN
Sáng 8/7, hãng tin Reuters cập nhật về kết quả vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp cho hay, nước này đối mặt với nguy cơ bế tắc chính trị sau khi cuộc bầu cử vào ngày 7/7 đã tạo ra một quốc hội treo (tình trạng không có bất kỳ một đảng chính trị nào giành được đa số trong quốc hội sau cuộc bầu cử), khi liên minh cánh tả bất ngờ giành vị trí cao nhất trước phe cực hữu, nhưng không có nhóm nào giành được thế đa số.
Việc mất đi phe cực hữu là một điều gì đó nhẹ nhõm cho các nhà đầu tư, mặc dù họ cũng lo ngại kế hoạch của cánh tả có thể hủy bỏ nhiều cải cách có lợi cho thị trường của Tổng thống Emmanuel Macron. Đồng tiền chung châu Âu giảm trong phiên này, xuống mức 1,0825 USD/euro, sau khi giao dịch ở mức 1,0843 USD/euro.
Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán châu Á trong đầu phiên 8/7 được hỗ trợ bởi hy vọng việc Mỹ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,1%, sau khi đạt mức cao nhất trong hai năm vào tuần trước.
Thị trường chứng khoán Tokyo mở cửa giảm điểm vào phiên 8/7, khi các nhà đầu tư chốt lời sau đà tăng gần đây, song đà giảm điểm được hạn chế sau những diễn biến khả quan tại Phố Wall vào cuối tuần trước. Mở cửa phiên này, chỉ số Nikkei 225 giảm 64,57 điểm, tương đương 0,16%, xuống 40.847,80 điểm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng sau báo cáo việc làm tháng 6 của Mỹ, vừa được công bố cuối tuần trước, giảm ở mức 4,297%, sau khi đạt mức cao nhất là 4,4930% vào đầu tuần trước.
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ đưa ra quan điểm của mình về chính sách lãi suất trong phiên điều trần trước Quốc hội vào ngày 9/7, trong khi một số quan chức khác của Fed cũng đưa ra phát biểu trong tuần này.
Các dữ liệu kinh tế quan trong được chờ đợi trong tuần này là chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 6, dự kiến được công bố ngày 11/7.
Dữ liệu lạm phát của Đức cũng được công bố cùng ngày, trong khi Trung Quốc cũng công bố số liệu về giá tiêu dùng và hoạt động thương mại trong tuần này.
Tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), chỉ số Kospi mất 1,73 điểm, tương đương 0,06%, xuống 2.860,50 điểm vào phiên giao dịch sáng ngày 8/7. Đà giảm của chỉ số này diễn ra khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ và tổ chức đẩy mạnh bán cổ phiếu trị giá lần lượt 28,9 tỷ won (21 triệu USD) và 138 tỷ won để chốt lời sau khi chỉ số này đạt mức đóng cửa cao nhất trong năm nay vào tuần trước.
Minh Trang (TTXVN)
Link gốc