Giới phân tích nhận định dự trữ ngoại hối của Việt Nam không nhiều, nền kinh tế đang cần rất nhiều vốn cho tăng trưởng. Việc dùng ngoại hối để bình ổn thị trường vàng là xa xỉ trong khi vàng không phải hàng hóa thiết yếu. Do vậy, cần xác định lại cách ứng xử phù hợp và tìm cách giảm sức hấp dẫn của thị trường vàng, hướng người dân sang những kênh đầu tư khác, hỗ trợ tốt hơn cho phát triển kinh tế...
Các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ hướng tới xây dựng quy định rõ ràng về vàng nhẫn.
Tại tọa đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, các chuyên gia chỉ ra đặc điểm của thị trường vàng Việt Nam là không giao dịch tập trung, minh bạch, mà được phân phối qua mạng lưới các tiệm vàng dày đặc.
RẠCH RÒI CHỨC NĂNG HÀNG HOÁ VÀ DỰ TRỮ NGOẠI HỐI
Về bản chất, thị trường vàng Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Nam, các tiệm vàng nhỏ lẻ sẽ mua vàng từ các đầu mối vàng sỉ, được gọi là “nhà cái”, là nhóm nắm giữ lượng vàng rất lớn, có thể điều tiết giá và tác động lớn đến thị trường. Mức giá mua và giá bán do các tiệm vàng ấn định dựa trên mức giá của các “nhà cái”. Bởi vậy, các tiệm vàng khác nhau nhưng có mức giá tương đối ngang nhau, mức chênh lệch không đáng kể. Người dân mua, bán vàng chỉ là người chấp nhận giá chứ không phải là người quyết định giá.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, TS. Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng, Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh, cho biết các đầu mối vàng sỉ (“nhà cái”) chính là bên đưa ra mức giá cho các tiệm vàng nhỏ lẻ giao dịch, từ đó, những “nhà cái” có khả năng kiểm soát được giá thị trường.
Các chuyên gia cũng lưu ý, những “nhà cái” này đã được hình thành từ rất lâu đời, trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời ngày 3/4/2012.Các chuyên gia đánh giá đây chính là những đối tượng nắm giữ lượng vàng rất lớn, điều tiết giá, giật dây thị trường. Như vậy, thị trường vàng chỉ ổn định khi có đủ khung khổ pháp lý và sự phối hợp của nhiều bộ, ngành để đưa hoạt động giao dịch vàng “nhà cái” ra ánh sáng, từ đó góp phần ngăn rửa tiền, thao túng giá, trốn thuế và gây rối loạn thị trường...
Ngoài ra, giới phân tích cũng chỉ ra một số vấn đề nổi cộm hiện nay: (i) việc “phân vai” giữa các bộ, ngành và cơ chế phối hợp quản lý thị trường vàng chưa rõ ràng; (ii) chưa có quy định cụ thể về vàng nhẫn, dẫn đến tình trạng lách luật, biến tướng, mang danh vàng nhẫn nhưng tỷ lệ vàng nguyên chất lên đến hơn 99%; (iii) đặc biệt là chưa phân định rõ vàng ngoại hối và vàng hàng hóa.
Theo TS. Ngô Minh Hải, nếu xét ở góc độ thuần thị trường, Nhà nước nên chuyển sang quản lý tiêu chuẩn chất lượng, thẩm định và cấp chứng nhận cho những doanh nghiệp sản xuất vàng miếng đủ điều kiện thay vì phải bán vàng bình ổn như hiện nay.
Theo đó, Chính phủ “phân vai” rõ ràng cho Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý chất lượng vàng, điều kiện kinh doanh… và công nhận những doanh nghiệp sản xuất vàng miếng đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Đơn cử, chỉ cần đơn vị chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ có giám định và công nhận rằng thương hiệu vàng có đảm bảo tuổi vàng, hàm lượng vàng hay không.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ hướng tới xây dựng quy định rõ ràng về vàng nhẫn. Nếu coi vàng nhẫn là vàng trang sức thì cần quy định hàm lượng vàng nguyên chất phải dưới 75% hoặc 61%. Để chế tạo vàng trang sức 75% hay 61% sẽ cần gia công rất nhiều chứ không chỉ đổ vàng nguyên chất thành khuôn và bán ra thị trường. Quy định rõ ràng như vậy sẽ hạn chế tình trạng lách luật, dần dần làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Khi đã có quy định rõ ràng cả về vàng miếng và vàng nhẫn, các cơ quan quản lý nên tiến hành bước tiếp theo là tách bạch quản lý giữa thị trường vàng ngoại hối và vàng hàng hóa trong nước. Theo các chuyên gia, Chính phủ có thể học hỏi mô hình từ Trung Quốc trong vấn đề này.
Theo đó, tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cần quy định rõ loại vàng nào thuộc về hàng hóa và loại nào thuộc về dự trữ ngoại hối. Khi tách bạch được vàng hàng hóa và vàng dự trữ thì chính sách thuế cũng rõ ràng hơn.
Nếu doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức bán cho thị trường trong nước thì đánh thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như bình thường. Còn nếu nhập khẩu vàng để làm dự trữ của ngân hàng trung ương thì không cần đánh thuế. Theo lý thuyết về kinh tế, chỉ khi nào vàng được đưa ra khỏi biên giới, trở thành vàng ngoại hối, tạo ảnh hưởng đến lưu thông tiền tệ, ảnh hướng đến ngoại tệ nhập khẩu vàng, thì lúc đó ngân hàng trung ương mới quản lý.
LỰA CHỌN MÔ HÌNH SÀN GIAO DỊCH VÀNG
Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng vật chất, chứng chỉ vàng.
Theo TS. Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều giao dịch vàng trên các sàn vàng. Tất cả các nước đều quy định rõ các tiêu chí của một sàn vàng, điều kiện cần và đủ của các chủ thể tham gia sàn. Ở các nước đó luôn có Ủy ban Giám sát thị trường hàng hóa để kiểm soát hoạt động của sàn giao dịch vàng. Cơ quan quản lý có thể tham khảo mô hình của sàn vàng Thượng Hải (Trung Quốc) hoặc sàn vàng Bosa của Thổ Nhĩ Kỳ, vì thị trường vàng của các nước này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
Tuy nhiên, với quan điểm thận trọng hơn, TS. Ngô Minh Hải cho rằng không nhất thiết phải gấp rút thành lập sàn giao dịch vàng trong bối cảnh hiện nay.
“Hãy nhìn sang tỷ giá. Hiện nay, chuyện mua bán ngoại hối với quốc tế được giao cho các ngân hàng thương mại làm rất tốt. Câu chuyện về vàng cũng tương tự, chỉ cần giao các ngân hàng, vì họ là những người đầu tư chuyên nghiệp và hiện tại họ vẫn đang làm rất tốt. Khi giao về các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được dòng vốn vào và ra, gián tiếp kiểm soát được tỷ giá và dòng tiền đầu tư”, TS. Ngô Minh Hải phân tích.
Theo ông Ngô Minh Hải, nếu mở ra cho đông đảo người dân có thể tham gia vào thị trường vàng, nhất là vàng phái sinh thì rất khó có thể kiểm soát được dòng tiền, vấn đề rửa tiền và khó khăn cho điều hành tỷ giá… Ngay cả ngoại tệ vẫn chưa thực hiện được cơ chế sàn giao dịch thì rất khó để triển khai với vàng.
Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, cho biết khi ông là Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, một Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng nhiều lần mời các chuyên gia tới để trao đổi, thảo luận về vấn đề quản lý thị trường vàng thông qua chứng chỉ hay tín phiếu vàng, nhưng thời điểm đó thị trường tài chính Việt Nam còn lạc hậu nên chưa thể triển khai các giải pháp này. Hiện nay, cơ sở hạ tầng của thị trường tài chính đã được củng cố, kiến tạo hiện đại, nên vị chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý có thể cân nhắc đề xuất này.
Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam
"Để sàn giao dịch vàng quốc gia hoạt động hiệu quả, không đơn thuần là mặt bằng giao dịch cung cấp vàng vật chất, vàng chứng chỉ, mà là một tập hợp các vấn đề đồng bộ về dịch vụ, tiện ích liên quan đến giao dịch, hoạt động thanh toán, kiểm định, giao nhận, nghĩa vụ thuế, định danh vàng gắn với sở hữu cá nhân, tổ chức,... Chính phủ cần xây dựng đề án tổng thể.
Đầu tiên, cần có Nghị định khung cho hoạt động của sàn giao dịch vàng này, bước đầu có thể cho phép thí điểm hoạt động 3 đến 5 năm. Sau đó, tổng kết thí điểm, nêu rõ những điểm được và chưa được; tránh tình trạng thí điểm chưa xong đã cho phát triển bùng nổ, để rồi khi gặp sự cố thì lại quay về thời kỳ siết chặt quản lý".
Các chuyên gia cho biết nhiều quốc gia trên thế giới cũng cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất ở một số thời điểm nhất định khi đồng nội tệ bị mất giá; thay vào đó, Nhà nước phát hành tín chỉ vàng (ETF) cho người dân.
Chẳng hạn tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bán cho người dân ETF ghi nhận số vàng mà người dân đang nắm giữ là bao nhiêu. Người dân có thể mua bao nhiêu lượng vàng cũng được nhưng Nhà nước sẽ phát hành cho họ một tín chỉ như vậy thay vì bán vàng nguyên chất. Nhờ đó, Ngân hàng trung ương Mỹ vẫn nắm giữ lượng vàng nguyên chất làm dữ trự ngoại hối. Người dân có thể mua bán tín chỉ đó với nhau và bán lại cho ngân hàng trung ương.
Sau một khoảng thời gian dài áp dụng biện pháp trên, Nhà nước sẽ điều phối được thị trường; đồng thời, tạo ra sự minh bạch, giúp ngân hàng trung ương có thể tính toán được số lượng vàng thực sự trong dân là bao nhiêu. Đây cũng là giải pháp mà Việt Nam có thể tham khảo để khiến người dân bớt yêu vàng.
Phan Linh-Link gốc